Thuốc ngủ và mất ngủ
Tác giả : BS. BÙI NGUYÊN KIỂM (BV. Xanh Pôn - Hà Nội)
Thuốc ngủ không sinh ra giấc ngủ. nếu giấc ngủ tự nhiên là quá trình bù đắp và xây dựng lại cơ thể một cách hiệu quả giúp hồi phục và đổi mới thì giấc ngủ do thuốc ngủ cơ thể phải tiến hành quá trình chống chất độc và loại trừ chất độc kiệt quệ. giấc ngủ bình thường bảo tồn năng lượng, các cơ bắp khỏe hơn, ý chí được tăng cường thêm thì sau giấc ngủ do thuốc ngủ, các cơ yếu và run do tiêu phí năng lượng, ý chí bị cùn mòn đi.
QUÁ TRÌNH MẤT NGỦ
Mất ngủ là triệu chứng chứ không phải là một loại bệnh. Nó chỉ là biểu hiện của một rối loạn, một trục trặc, một hoạt động không hữu hiệu của hệ thần kinh hoặc của cơ thể. Mất ngủ một, hai đêm có thể làm người ta mệt mỏi, nhưng chứng bệnh này không mấy ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Thống nhất được điều này, chúng sẽ giảm đi một vài cảm giác lo âu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe.
Điều đáng mừng là mất ngủ một đêm, mất ngủ bất thường, mất ngủ thất thường hay mất ngủ kéo dài đều có thể chữa được một cách khá dễ dàng, dù các rối loạn này thể hiện dưới nhiều hình thức, ảnh hưởng đến một hoặc nhiều giai đoạn của giấc ngủ.
Chỉ một, hai đêm mất ngủ thôi, uống thuốc ngủ có thể là giải pháp tạm thời tương đối tốt. Nhưng muốn điều chỉnh các rối loạn của giấc ngủ hoặc muốn chữa trị mất ngủ bằng thuốc ngủ thì hoàn toàn không phải là phương pháp thích hợp. Bởi vì, uống thuốc ngủ lại là hình thức đối kháng lại giấc ngủ sâu, êm đềm và thư thái; trong khi có nhiều hình thức khác mang lại cho con người ta giấc ngủ ngon lành, no nê thì những viên thuốc ngủ chỉ để lại hậu quả làm cho người ta mất đi sức thức tỉnh về đêm khi con người không thể ngủ được.
THUỐC NGỦ VÀ GIẤC NGỦ
Thuốc ngủ có thể mang lại được gì? Đặc biệt với người bị chứng mất ngủ, nó có khả năng thúc đẩy nhanh giai đoạn khởi động của giấc ngủ trong vòng 5-20 phút, làm giảm lượng thời gian thức tỉnh trong đêm và có thể làm tăng tổng số thời gian ngủ. Nếu cần hồi phục sau những sang chấn tinh thần nặng nề như cái chết của người thân, một bước ngoặt lớn của cuộc đời hoặc sự khởi đầu căng thẳng của công việc mới..., thuốc ngủ có thể thích hợp trong một thời gian ngắn để trợ giúp người ta vượt qua những stress và tránh các hậu quả về mặt tâm lý sau một đêm không ngủ. Tuy nhiên, về lâu dài, chỉ dựa vào những viên thuốc ngủ thì có thể sẽ kết thúc giấc ngủ ngắn hơn và cảm thấy thất vọng nhiều hơn vì không thể đạt được giấc ngủ sảng khoái, thư giãn.
Về mặt dược động học, thuốc ngủ tồn tại trong cơ thể lâu hơn nhiều so với thời gian gây ngủ; hoặc thuốc ngủ được chuyển hóa ở gan và được bài tiết qua thận nên nếu chức năng gan, thận bị suy yếu, thuốc ngủ sẽ tồn tại trong cơ thể lâu dài hơn. Đó là lý do tại sao những người bị bệnh gan, thận, người cao tuổi càng hạn chế dùng thuốc ngủ càng tốt. Không được dùng thuốc ngủ sau khi uống rượu hoặc khi mang thai. Tương tự như vậy, những người bị bệnh đường hô hấp cũng không nên dùng thuốc ngủ vì nó ảnh hưởng đến sự điều hòa chức năng thở ở não.
Thực tế ở nước ta khi mất ngủ, mọi người thường tự đi mua thuốc ngủ hoặc xin đơn mua thuốc ngủ. Việc này không hề có gì khó khăn. Nhiều thầy thuốc kê đơn thuốc ngủ giống như kiểu phản xạ tự động đầu tiên khi nghe bệnh nhân than phiền về rối loạn giấc ngủ hoặc để đề phòng trước chứng mất ngủ có thể xảy ra. Một thống kê gần đây cho thấy khoảng 50% bác sĩ ở tất cả các bệnh viện kê đơn có thuốc ngủ là do thói quen hơn là do nhu cầu của bệnh lý và khoảng 20% số bệnh nhân đó sau này sẽ trở nên phụ thuộc vào thuốc ngủ. Hơn nữa, khoảng 50% số bệnh nhân sử dụng thuốc ngủ để điều trị chứng mất ngủ đã xuất hiện những rối loạn tồi tệ hơn trước khi dùng thuốc.
MỘT SỐ THAM KHẢO CẦN THIẾT KHI SỬ DỤNG THUỐC NGỦ
Nếu bạn thấy uống thuốc ngủ vẫn còn hữu ích trong một số tình huống thì xin hãy tham khảo các gợi ý sau:
- Đừng bao giờ tự dùng thuốc ngủ hoặc dùng lại đơn thuốc ngủ mà không thông qua bác sĩ. Nên hỏi bác sĩ đã nắm được đặc điểm sinh lý của bạn, tiền sử bệnh lý và mối liên quan của thuốc đối với bạn. Như vậy khi dùng thuốc mà xảy ra tác dụng không mong muốn (tác dụng phụ), sự lệ thuộc vào thuốc hoặc các khó khăn khác, bạn đã có người để giúp giải quyết những vấn đề này.
- Nếu bác sĩ kê đơn thuốc ngủ cho bạn dường như theo thói quen, bạn có thể tự lựa chọn nhiều phương pháp khác.
- Đọc nhiều hơn, học nhiều hơn về tính chất dược lý của các loại thuốc ngủ qua sách vở, dược điển. Tránh dùng thuốc ngủ trước khi lái xe (ô tô, xe máy) một đoạn đường dài và trước khi có hoạt động căng thẳng. Các chất hóa học vẫn còn ở trong cơ thể bạn đến tận hôm sau và còn gây buồn ngủ.
- Không bao giờ kết hợp thuốc ngủ với rượu và với bất kỳ loại thuốc nào khác có ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương.
Đối với hai trạng thái được dùng thuốc ngủ phải lưu ý:
* Với người cao tuổi, liều thuốc ngủ chỉ bằng một nửa so với thanh niên.
* Đùng bao giờ cho trẻ dùng bất kỳ một loại thuốc ngủ nào.
* Không nên dùng thuốc cùng lúc với người bạn đời để lỡ có điều gì xảy ra thì còn một người tỉnh táo đương đầu với những bất trắc xảy ra trong đêm.
Còn nhiều phương pháp không dùng thuốc mang lại cho người ta giấc ngủ. Bỏ thói quen sử dụng thuốc ngủ vẫn còn là một thử thách, tuy nhiên nếu chúng ta đón nhận tất cả mọi điều học được, đọc được, trao đổi được về giấc ngủ và mất ngủ, chúng ta có thể thấy chẳng những mất ngủ có thể chữa khỏi được mà còn có thể tạo ra được giấc mơ ngọt ngào và một giấc ngủ thanh thản.