NHỮNG LỢI ÍCH CHỮA BỆNH ĐẦY HỨA HẸN CỦA MA-NHÊ
Tác giả : BS. NGUYỄN LÂN ĐÍNH
Trước nay, chúng ta thường ít chú ý tới Ma-nhê (Mg). Tuy nhiên đó là một vi chất khá dồi dào trong cơ thể và đóng vai trò rất quan trọng. Tình trạng thiếu Mg có thể là một phần nguyên nhân của nhiều căn bệnh như cao huyết áp, hen suyễn, đau nửa đầu… Từ đó, các nhà khoa học đã có hướng nghiên cứu để sử dụng Mg điều trị các bệnh này.
PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH LƯỢNG MG TRONG TẾ BÀO
Phần lớn Ma-nhê nằm trong các tế bào nên khó định lượng. Gần đây, người ta đã triển khai những kỹ thuật mới giúp định lượng được nồng độ Mg ở thể tự do trong tế bào, là thành phần có hoạt tính sinh học đáng chú ý nhất.
Nhờ vậy, các nhà khoa học đã xem xét lại Mg với cách nhìn mới, phát hiện tình trạng thiếu Mg có thể góp phần vào nguyên nhân dẫn tới nhiều căn bệnh. Đồng thời nghiên cứu sử dụng Mg trong vấn đề điều trị.
MỘT SỐ BỆNH LIÊN QUAN ĐẾN THIẾU MG
Cao huyết áp
1. Tim thiếu máu cục bộ (ischemic heart disease).
2. Các chứng loạn nhịp tim (cardiac arrhythmias), đáng kể nhất là trường hợp loạn nhịp tim đặc biệt, theo từ chuyên môn về điện tâm đồ là khi có “torsades de pointes = sóng xoắn - nhọn”; Đã được điều trị rất hiệu quả với Mg.
3. Chứng tiền sản giật (pre-eclampsia) do máu nhiễm độc vào cuối thai kỳ với đặc điểm là huyết áp tăng đột ngột, tăng cân quá mức, phù toàn diện do nước tích vào các mô, đi tiểu ra albumin, nhức đầu nghiêm trọng và có rối loạn thị giác. Mặc dù đa số các bác sĩ thường coi Mg là một khoáng chất phụ chứ không phải là một thuốc chữa bệnh, nhưng hiện nay trong phác đồ điều trị tiền sản giật (pre-eclampsia), Mg đã được coi là một phương tiện không thể thiếu.
4. Hen suyễn. Mg tỏ ra ngày càng có vai trò quan trọng trong điều trị suyễn (asthma). Trong một nghiên cứu mù đôi vừa được công bố, người ta đã theo dõi 89 trẻ em tuổi từ 4-16 bị suyễn phế quản dai dẳng ở mức từ nhẹ đến vừa. Các trẻ này đã được tuyển chọn và chia ngẫu nhiên làm 2 nhóm theo phương phápï mù đôi có kiểm soát, một nhóm được bổ sung Mg, nhóm còn lại uống giả dược (placebo). Trong nhóm trẻ thực nghiệm, liều Mg được bổ sung mỗi ngày là 200-290mg Mg (tùy theo tuổi); Trong khi nhóm chứng trong suốt thời gian 12 tuần của cuộc nghiên cứu chỉ nhận được mỗi ngày một viên đường. Kết quả sau thời gian được uống Mg bổ sung, tình trạng bệnh suyễn ở nhóm trẻ thực nghiệm đã có những cải thiện rõ rệt có ý nghĩa thống kê - đủ để các tác giả đưa ra khuyến cáo nên sử dụng Mg như một “thuốc” kèm theo để ổn định bệnh suyễn. Và hiện nay Mg đã được xem là có tác dụng như một dược phẩm thực thụ mà không hề gây ra một tác dụng phụ nào.
5. Bệnh động mạch ngoại vi: Trong một công trình nghiên cứu khác công bố trên báo Stroke (Đột quỵ) số ra tháng 1/2004, 323 bệnh nhân được chẩn đoán có triệu chứng bệnh lý động mạch ngoại vi (hẹp khẩu kính động mạch chân dẫn tới đau nhức). Nghiên cứu tiền cứu tiến hành như sau: Xác định nồng độ Mg huyết thanh, sau đó họ được theo dõi trong thời gian trung bình 20 tháng. Khi kết thúc công trình, người ta phân tích so sánh nhóm có mức Mg huyết thanh cao nhất với những người có nồng độ Mg thấp nhất. Kết quả sau khi cân đối ảnh hưởng của mọi yếu tố nguy cơ, nhóm huyết thanh có nồng độ Mg thấp có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gấp 3 lần (tức trên 300%) so với nhóm có nồng độ Mg cao. Từ đó các tác giả kết luận là ở những bệnh nhân có triệu chứng bệnh lý động mạch ngoại vi, tình trạng Mg huyết thanh thấp là chỉ số báo hiệu gia tăng nguy cơ bị những sự cố thần kinh.
6. Bệnh động mạch vành: Trong thời gian qua, cũng đã có nhiều nghiên cứu về sử dụng Mg trong điều trị bệnh động mạch vành. Nhiều công trình nhỏ chứng minh là có lợi. Nhưng 2 công trình thử nghiệm bốc thăm ngẫu nhiên trên quy mô lớn vừa được công bố gần đây, đã không chứng minh nhóm được truyền tĩnh mạch Mg có ưu điểm nào hơn so nhóm chứng chỉ được truyền giả dược placebo! Có lẽ người ta chỉ thấy được lợi ích của Mg qua việc bổ sung Mg bằng đường uống và theo dõi trong thời gian dài. Tuy nhiên theo một bài báo là về mặt lý thuyết, căn cứ vào những kết quả nghiên cứu đầy hứa hẹn trên súc vật và trên người, việc bổ sung Mg cho thấy có tác dụng bảo vệ tim. Là một chất khoáng tương đối rẻ tiền, dễ vận hành, không đòi hỏi phương phápï giám sát gì đặc biệt, lại dễ dung nạp - Mg xứng đáng chiếm một vị trí quan trọng trong việc điều trị cho các bệnh nhân có vấn đề ở động mạch vành, đặc biệt là những người có nguy cơ cao.
7. Đau nửa đầu: Người ta đã xác định rõ ràng là: Cần có nhập lượng Mg tối ưu thì mới có được mức huyết áp, chức năng tim và thậm chí cả chức năng não bình thường. Thực vậy, nhiều nghiên cứu đã cho thấy đa số những người bị đau nửa đầu (migraine headaches) có mức Mg nội tế bào thấp (low intracellular magnesium levels). Các loại quả hạch là một trong những nguồn Mg dồi dào nhất, thí dụ như quả “óc chó” (walnuts) và hạnh nhân (almonds). Ở Việt Nam, hạt điều cũng thuộc nhóm quả hạch. Đây hẳn là lý do giải thích tại sao những người ăn nhiều (= 5 suất/ phần một tuần, 1 suất = 1 nắm) “óc chó” (walnuts) có thể giảm được tới 80% nguy cơ bị đột quỵ.
Liều Mg điều trị
Cũng như với các loại vitamin, khoáng chất hoặc dưỡng chất bổ sung, điều thiết yếu là bạn cần dùng với liều lượng thích hợp. Cũng xin lưu ý là trong mỗi viên đa sinh tố, muối khoáng loại uống “1 viên 1 ngày” thường chỉ hàm chứa 10-30mg Mg nguyên tố nên chẳng đem lại lợi ích bao nhiêu! Liều Mg/ ngày có tác dụng trị bệnh (therapeutic daily dose) cho người trưởng thành phải nằm trong giới hạn 200-600mg Mg nguyên tố từ thuốc uống bổ sung, không kể lượng Mg do bữa ăn mang lại.