Thuốc nhỏ mắt

Tác giả : TS. DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC (Trường ĐH. Y Dược - TPHCM)

Thuốc dùng cho mắt hay gọi là thuốc nhãn khoa bao gồm nhiều dạng như: thuốc mỡ, thuốc hỗn dịch (tức thuốc có chứa các hạt nhỏ rất mịn), thuốc đặt vào mắt, thuốc nước…

Thuốc nhãn khoa nói chung là những chế phẩm vô khuẩn (nghĩa là không chứa các vi khuẩn gây bệnh), không chứa các chất lạ gây hại, được pha chế và đóng gói thích hợp để nhỏ mắt, tra vào bờ mí mắt hoặc cài đặt vào mắt, với mục đích điều trị hoặc chẩn đoán các bệnh về mắt.

THUỐC NHỎ MẮT CẦN ĐẠT NHỮNG TIÊU CHUẨN ĐẶC BIỆT NÀO?

Thuốc nhỏ mắt phải đạt 3 tiêu chuẩn sau:

Vô khuẩn: Tất cả các chế phẩm dùng trong nhãn khoa đều phải đạt tiêu chuẩn vô khuẩn. Để bảo đảm tiêu chuẩn này, thuốc nhỏ mắt phải được điều chế trong điều kiện môi trường vô khuẩn, thường được thêm chất sát khuẩn thích hợp và sau khi pha chế phải được tiệt khuẩn. Vì vậy, không thể lấy bất cứ dạng thuốc nào khác để dùng cho mắt.

Một sai lầm khá phổ biến là có người dùng thuốc nhỏ tai, nhỏ mũi thay cho thuốc nhỏ mắt; Thậm chí còn dùng thuốc dạng kem bôi ngoài da trị nấm để tra vào mắt và gây tai biến hư cả con mắt. Vì thế, xin lưu ý tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ tai, nhỏ mũi, thuốc dạng kem bôi ngoài da để dùng cho mắt.

Do mọi chế phẩm dùng cho mắt đều phải đảm bảo vô khuẩn, nên nước dùng để pha chế thuốc nhỏ mắt phải là nước cất đạt các yêu cầu tiêu chuẩn ghi trong dược điển. Vì vậy, người thường xuyên đến hồ bơi cần mang kính bơi để bảo vệ đôi mắt. Nếu bụi vào mắt, bất đắc dĩ mới dùng nước sinh hoạt để rửa mắt, làm trôi bụi ra khỏi mắt; tốt nhất nên dùng thuốc nhỏ mắt (loại làm sạch mắt).

Độ pH: pH là đại lượng cho biết tính acid, tính kiềm của một dung dịch. Nước mắt có độ pH trung tính, nghĩa là không có tính acid hay tính kiềm (pH của nước mắt trong khoảng 7,4-7,6), do đó tốt nhất thuốc nhỏ mắt nên có độ pH bằng với pH của nước mắt. Khi pha chế thuốc nhỏ mắt, nhà bào chế phải cân nhắc, tính toán, lựa chọn độ pH sao cho vừa có tác dụng ổn định hoạt chất của thuốc, vừa giúp mắt không bị kích ứng và đáp ứng tốt trong điều trị. Có người đã nhỏ nước cốt chanh vào mắt với mục đích làm sạch và sát trùng, nhưng thực tế lại có hại, làm mắt rất xót, vì độ acid của nước cốt chanh gây kích ứng rất mạnh đối với mắt.

Đẳng trương: Khi nhỏ thuốc vào mắt, ta cảm thấy dễ chịu, một phần là do dung dịch thuốc nhỏ mắt đẳng trương với dịch nước mắt, nói cách khác thuốc nhỏ mắt phải có tính chất giống như nước mắt. Nếu dung dịch thuốc nhỏ mắt không đẳng trương sẽ dễ gây khó chịu, gây đau ở mắt, làm nước mắt tiết ra nhiều và đẩy thuốc ra ngoài. Có người đã dùng một loại dược liệu là vị thuốc Đông y hòa tan trong sữa mẹ rồi nhỏ vào mắt để chữa bệnh. Tuy sữa mẹ cũng gần đẳng trương với nước mắt, không gây khó chịu, nhưng việc làm này thật sự không an toàn vì dược liệu có thể bị nhiễm khuẩn hoặc chứa các chất lạ có hại cho mắt.

Hiểu biết về tính đẳng trương của thuốc nhỏ mắt, chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm, nếu nhỏ một thuốc nào đó vào mắt mà thấy xót, khó chịu, đau nhức thì có thể là do thuốc nhỏ mắt không đạt độ đẳng trương, phải ngưng dùng ngay và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài 3 tiêu chuẩn kể trên, tùy theo dạng thuốc nhỏ mắt, còn có một số tiêu chuẩn khác như: Dung dịch thuốc nhỏ mắt phải đạt độ trong, không được chứa các tiểu phân lạ làm tổn thương biểu mô giác mạc v.v...

Những trình bày trên cho thấy việc sử dụng thuốc trong nhãn khoa cần hết sức thận trọng, phải nắm vững tính năng của dạng thuốc, chỉ dùng đúng thuốc nhỏ mắt để chữa các bệnh về mắt, không thể dùng bất cứ dạng thuốc nào khác. Lâu nay, có một số người (thậm chí cả nhà chuyên môn), khi sử dụng thuốc nhỏ mắt chỉ nghĩ đến sự đáp ứng của hoạt chất đối với yêu cầu chữa trị mà không lưu ý đến dạng thuốc thích hợp, dẫn đến những nhầm lẫn hết sức đáng tiếc.

CÁC NHÓM THUỐC NHỎ MẮT

Tùy theo bệnh lý, bác sĩ nhãn khoa sẽ lựa chọn thuốc nhỏ mắt chứa các hoạt chất khác nhau. Có thể kể các nhóm thuốc sau:

Nhóm thuốc nhỏ mắt chống nhiễm trùng gồm:

- Thuốc chứa chất sát trùng: Argyrol (chứa bạc vitelinat, ngừa nhiễm trùng mắt do lậu cầu ở trẻ sơ sinh), sulfaxylum (một loại sulfamid), kẽm sulfat (dung dịch 0,5-1%).

- Thuốc chứa chất kháng sinh, kháng khuẩn: Cloramphenicol (Cloraxin 0,4-0,5%), tetracyclin (thuốc mỡ 1% trị đau mắt hột), neomycin (Neocin), ciprofloxacin (Ciloxan), gentamycin (Ophtagram), tobramycin (Tobrax)...

- Thuốc chứa chất kháng sinh, kháng nấm: natamycin (Natacyn)...

Thuốc chứa chất kháng siêu vi: acyclovir (Zovirax).

Thuốc chống nhiễm trùng + corticoid: Dexacol (cloramphenicol+ dexamathason), Neodexa (neomycin + dexa). Chlorocid-H, Polydexa...

Thuốc corticoid: Cebedex, Pred-Fort...

Thuốc giãn đồng tử (để khám mắt): atropin, homatropin, Mydriacyl.

Thuốc co đồng tử: pilocarpin.

Thuốc trị tăng nhãn áp: acetazolamid, Alphagan, Betangan, Timolol.

Thuốc tê: tetracain.

Thuốc chứa chất kháng viêm không steroid: diclofenac (Naclof).

Thuốc rửa mắt, làm dịu mắt: Refresh, Tears natural, Visine, V. Rohto, Dainako.

Thuốc làm chậm đục thủy tinh thể: Catarstar, Catacol, Vitreolent, Vitaphakol.

NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC NHỎ MẮT

Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Khi đã mở lọ thuốc ra, chỉ nên dùng trong vòng 15 ngày kể từ khi mở. Vì vậy, khi mở lọ thuốc để dùng, ta nên ghi lại ngày mở để đến đúng hạn 15 ngày sẽ bỏ đi. Vì quá thời gian này, có thể thuốc không còn đạt độ vô khuẩn.

- Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau, từ thuốc nhỏ mắt, thuốc làm dịu mắt, bổ dưỡng đến loại đặc biệt như làm chậm đục thủy tinh thể, trị tăng nhãn áp...; Nhưng nhiều nhất vẫn là các thuốc chứa kháng sinh kết hợp với corticoid như Dexacol, Polydexa, Tobradex... Vì vậy, để đảm bảo điều trị đúng bệnh, người bệnh cần đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn mua dùng loại thuốc thích hợp.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa