Vài điều cần biết về thuốc kháng cúm
Tác giả : DS. BÙI VĂN UY
Virus cúm type A có nhiều chủng khác nhau. Sự khác nhau này biểu hiện ở kháng nguyên bề mặt hemagglutinin (ký hiệu là H) và enzym đặc hiệu neuraminidase (ký hiệu là N). Để gọi tên một chủng cúm, người ta dùng chữ H và chữ N kèm theo số chỉ kháng nguyên và enzym đặc hiệu cho chủng cúm đó. Có khoảng 15 H và 9 N nhưng chỉ có 3 H (H1-H2-H3) và 2 N (N1-N2) gây bệnh cho người. Gần đây cúm gà H5N1 cũng gây bệnh cho người do lây trực tiếp từ gà sang nhưng chưa xác định được chúng có biến dạng thành cúm để lây từ người sang người hay không.
THUỐC KHÁNG CÚM TYPE A
Thuốc kháng cúm type A có hai dòng
Dòng cũ gồm hai thuốc chính là Amantadin, Rimantadin. Hai thuốc này đã được phát minh từ vài chục năm nay. Chúng ức chế enzym đặc hiệu neuraminidase của virus cúm nên ngăn cản được quá trình phát triển của virus. Qua nghiên cứu rộng trên người lớn cũng như nghiên cứu hẹp ở trẻ em và người cao tuổi, các nhà khoa học thấy thuốc có tác dụng làm giảm khoảng 50% thời gian khởi phát bệnh, giảm các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả hơn khi dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường; Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa xác định các thuốc này có tác dụng thế nào đến các trường hợp cúm đã có biến chứng. Ngoài ra, virus cúm cũng có khả năng kháng lại các thuốc này và có khoảng 5%-10% bệnh nhân sử dụng thuốc bị những tác dụng phụ như bồn chồn, lo âu, mất ngủ. Tác dụng phụ sẽ mất đi ngay sau khi ngưng dùng thuốc. Thuốc chỉ có hiệu quả khi dùng trong vòng 72 giờ kể từ lúc bệnh khởi phát. Amantadin và Rimantadin đều có tác dụng như nhau, nhưng Rimantadin ít gây tác dụng phụ hơn; Liều dùng cho cả hai loại: mỗi ngày 200mg dùng trong 3-7 ngày, người cao tuổi và người suy thận chỉ dùng nửa liều này.
Việc dùng các thuốc dòng cũ để dự phòng chỉ thực hiện cho các trường hợp chưa dùng vaccin hay khi dùng vaccin không có hiệu quả.
Dòng mới có hai thuốc Zanamivir và Oseltamivir, được phát minh trong những năm 1999-2000, cũng có tác dụng ức chế enzym đặc hiệu neuraminidase của virus cúm từ đó ngăn cản quá trình phát triển của virus. Hiện nước ta đang nhập loại thứ hai có tên biệt dược là Tamiflu.
Trong dự phòng, Tamiflu ngăn chặn sự lây nhiễm trong gia đình và cộng đồng với hiệu lực bảo vệ khoảng 80% (Oxford J, 2004). Thử nghiệm dùng cho 402 người có tiếp xúc với người bệnh (đợt dùng 5 ngày) và 410 trường hợp ngay sau khi tiếp xúc (đợt dùng 10 ngày) trong cụm dân cư 228 hộ. Kết quả bảo vệ cho cả hộ là 58,5% và bảo vệ cho cá thể là 68%. Không thấy virus biến thể kháng thuốc.
Rất tiếc công trình không nêu rõ là thử nghiệm được thực hiện trên cúm A hay B (Hayden FG, 2004). Có tài liệu nêu rõ việc dự phòng chỉ thực hiện cho người trên 13 tuổi với liều 75mg/ ngày.
Trong điều trị: Tamiflu làm giảm sự bài tiết dịch ở đường hô hấp, rút ngắn thời gian điều trị trung bình 1,38 ngày ở người lớn và 1,5 ngày ở trẻ em so với khi không điều trị bằng thuốc kháng cúm (Turner D, 2003).
Liều lượng uống được dùng cho người lớn là 75mg/ngày x 2 lần, cho trẻ em là 2-4mg/kg/ngày; Dùng trong 5 ngày. Không có sự khác nhau nào ở nhóm dùng liều 2mg/kg/ngày và nhóm dùng liều gấp đôi (Imamura T, 2003).
Kết quả chỉ có được nếu dùng trong 48 giờ kể từ khi bệnh khởi phát. Mỗi đợt điều trị tốt nhất là 3 ngày (vừa có tác dụng vừa giảm được chi phí do thuốc đắt). Tamiflu chỉ dùng điều trị cho những người bị cúm không biến chứng trên 1 tuổi.
Tác dụng phụ: Khoảng 9% bệnh nhân dùng thuốc bị một số tác dụng phụ như buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt. Có thể gây co thắt phế quản đối với người có bệnh hen hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Chưa có dữ liệu về tính an toàn đối với thai nhi cũng như những tương tác có thể xảy ra với kháng sinh hoặc thuốc khác.
VÀI LƯU Ý KHI DÙNG
Mỗi dòøng cúm A có kháng nguyên bề mặt và enzym đặc hiệu. Mỗi loại thuốc cũng có hiệu lực nhất định với một chủng cúm A cụ thể, chứ không phải có hiệu lực như nhau đối với mọi chủng cúm. Đối với chủng cúm gà H5N1, việc sử dụng thuốc Tamiflu trên thực tế có hiệu quả - nhưng mới chỉ ở bước đầu nên chưa thể tổng kết, cần phải có thời gian thu thập số liệu lâm sàng.
Tất cả các thuốc chỉ được chứng minh là có hiệu quả ở bệnh nhân mới bị cúm, chứ chưa có bằng chứng có tác dụng với những trường hợp cúm có biến chứng. Vì lý do này mà việc phát hiện sớm, dùng thuốc sớm là điều rất quan trọng.
Cúm A khác với những loại cúm thông thường là gây ra nhiều biến chứng như viêm hô hấp cấp, suy thận, suy gan.
Đối với những trường hợp cúm A có biến chứng, thuốc chưa rõ có đáp ứng hay không. Việc cấp cứu những ca biến chứng đòi hỏi phải có bác sĩ có chuyên môn sâu nhiều kinh nghiệm; Có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cao như máy thở, máy lọc thận và chỉ những bệnh viện chuyên sâu mới điều trị hiệu quả. Bởi thế, chúng ta không thể tự ý mua thuốc dùng tại nhà hoặc giữ lâu người bệnh ở các tuyến không đủ khả năng chuyên môn và thiết bị chạy chữa. Việc điều trị cúm A được miễn phí hoàn toàn, do đó cũng không nên vì hoang mang mà mua thuốc dự trữ...
Như đã trình bày, do các thuốc điều trị cúm A có tác dụng còn hạn chế, vì vậy tốt nhất vẫn cần chú ý phòng bệnh.
Chú thích ảnh: Cấu trúc virus cúm qua kính hiển vi điện tử.