Thuốc chống đào thải trong phẫu thuật ghép tạng
Một ca ghép thận ở TP HCM. |
Sự đào thải tổ chức ghép là nguyên nhân lớn nhất khiến các ca ghép mô tạng thất bại. Với sự cảnh giác của hệ miễn dịch, cơ thể xem cơ quan lạ đó là “kẻ thù” và tìm cách "đuổi" nó đi. Để khống chế quá trình này, bệnh nhân cần dùng thuốc chống thải ghép.
Sau khi ghép, để phòng ngừa hiện tượng đào thải, người ta đã sử dụng các thuốc
ức chế hoặc ít ra cũng hạn chế các phản ứng miễn dịch. Về phương diện này, các
nhà khoa học đã đưa ra nhiều phân tử tác động lên nhiều giai đoạn của các phản
ứng miễn dịch để giới hạn sự phát triển những phản ứng này. Đó chính là các chất
loại bỏ phản ứng miễn dịch (immunosuppresseurs = IMS).
Hai nhóm thuốc đầu
tiên được sử dụng trong lĩnh vực này là corticoid và azathioprine (thường được
phối hợp với nhau). Từ lâu, người ta đã biết corticoid là chất kháng viêm mạnh,
đồng thời cũng có tác dụng IMS. Điều bất lợi là việc dùng nhóm corticoid lâu dài
sẽ dẫn đến các tác dụng phụ bất lợi cho người bệnh.
Từ thập niên 80 thế kỷ 20, thuốc Ciclosporine A (Sandimum) bắt đầu được sử dụng
để phòng ngừa sự đào thải trong các ca ghép thận, kết hợp với corticoid hoặc
azathioprine (Imurel). Chất này được ly trích từ một vi nấm, cho phép giảm bớt
liều dùng corticoid, kéo dài sự sống của mô ghép trong cơ thể. Nhưng
ciclosporine cũng có những tác dụng phụ, đặc biệt là trên thận. Độc tính ấy giờ
đây đã được kiểm soát bằng cách giảm liều qua theo dõi định lượng máu 2 giờ sau
khi dùng thuốc. Ngoài ra, ciclosporine còn làm tăng huyết áp và sự phát triển
nang lông, dẫn đến chứng rậm lông.
Các thuốc IMS trở nên phong phú và đa
dạng ở những năm 1990. Tacrolimus (Prograf) có mặt trên thị trường và trở thành
chất dùng xen kẽ với ciclosporine nhờ được trình bày dưới dạng dễ hấp thu hơn
(Neoral). Rồi acide mycophénolique được các nhà chuyên môn sử dụng để tạo nên cơ
chế chống đào thải hiệu quả nhất. Sự kết hợp nhiều loại dược phẩm nhóm này cho
phép bệnh nhân theo đuổi việc điều trị chống đào thải mô ghép, đồng thời kéo dài
tuổi thọ của mô ghép. Cuối thập niên 90, những chất kháng thể mới như
basiliximab (Simulect) và daclizumab (Zenapax) được tung ra thị trường, góp phần
hoàn thiện nhóm thuốc IMS, đạt được tác dụng chống đào thải mô ghép thật hiệu
quả trong những ngày đầu sau khi mổ.
Từ năm 2000, nhiều thuốc mới đã xuất
hiện như sirolimus (Rapamune), éverolimus (Certican), góp phần mang lại hiệu quả
trong việc ghép tim.
Hiện nay, các viện nghiên cứu dược phẩm đang tiến hành tìm kiếm những phân tử mới thật đặc biệt, vừa tăng tác dụng chống đào thải vừa làm giảm độc tính của thuốc IMS. Mục tiêu của các cuộc nghiên cứu là tìm ra những phương pháp mới cho phép đạt được sự cân bằng tối ưu giữa hiệu quả điều trị và khả năng dung nạp của bệnh nhân, giúp họ có thể theo đuổi lâu dài liệu pháp cấy ghép và nâng cao chất lượng sống của mình.
DS. Trương Tất Thọ, Sức Khoẻ & Đời Sống