Thuốc cảm ho trẻ em: dùng sao cho tốt?

DS. TRƯƠNG TẦT THỌ

Một trong những chứng bệnh do thời tiết gây ra thường gặp nhất, đó là cảm ho. Từ nắng chuyển qua mưa, từ nóng chuyển qua lạnh, các triệu chứng nóng sốt, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, ho khan hoặc ho dai dẳng, nghẹt mũi v.v... gây trở ngại rất nhiều cho công việc và sinh hoạt hàng ngày cũng như việc học tập của con em.

Thuốc trị cảm ho là những thuốc thông thường có mặt thường xuyên trong mỗi gia đình, mua khỏi cần toa. Để tránh lạm dụng, việc hiểu biết tác dụng của các hoạt chất để phát huy thế mạnh khi dùng thuốc và hạn chế tác dụng phụ gây hại là điều cần thiết trong mọi gia đình.

THÀNH PHẨN TÁC DỤNG CỦA THUỐC CẢM

Thuốc cảm trên thị trường Việt Nam thường chứa ba nhóm hoạt chất chính, đó là hạ sốt-giảm đau, chống nghẹt mũi, sổ mũi và chống dị ứng.

- Hạ sốt - giảm đau

Ngày nay Paracétamol thường được ưa chuộng trong điều trị sốt đau, nhất là trong những công thức thuốc dùng cho trẻ em nhờ điểm mạnh là tác dụng giảm đau xuất hiện nhanh, kéo dài, hạ sốt êm dịu, dung nạp tốt, ít phản ứng phụ và không gây kích ứng với dạ dày.

- Chống nghẹt mũi, sổ mũi

Thuộc nhóm thuốc cổ điển nhưng có mặt trong nhiều loại thuốc cảm - cả thuốc nội lẫn thuốc ngoại - với tác dụng chính là trị sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, giảm sung huyết mũi, phục hồi hô hấp bình thường.

- Chống dị ứng thời tiết

Các loại thuốc chống dị ứng thế hệ mới như Astemizole, Loaratadine v.v... ít được phối hợp chung trong thuốc cảm nên chất chống dị ứng cổ điển vẫn được dùng đến ngày nay là Chlorphéniramine để trị các trường hợp dị ứng của cơ thể như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng v.v...

CÁC THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC CẢM CHO TRẺ EM

- Paracétamol: Tuy được gọi là "hiền" nhưng cần chú ý đến liều lượng được hướng dẫn khi dùng cho trẻ em, tùy theo từng độ tuổi, không dùng nếu bé bị suy tế bào gan và không nên dùng liên tục trong hai tuần.

- Phénylpropanolamine: Đây là chất cường giao cảm gián tiếp, nếu dùng dài ngày hoặc lập lại nhiều lần sẽ làm nhanh nhịp tim, huyết áp tăng, kích thích thần kinh, xáo trộn thị giác.

- Chlorphéniramine: Cần thận trọng khi bé hoặc học sinh phải đi học hoặc làm bài vì tác dụng gây buồn ngủ, khó tập trung khi lái xe hoặc khi làm bài thi. Việc sử dụng quá liều với trẻ em có thể gây ảo giác, co giật.

THUỐC GIẢM HO, LONG ĐÀM

Cảm lạnh thông thường biểu hiện với những triệu chứng tác động ở đường hô hấp trên. Điều trị triệu chứng có thể bao gồm dùng thuốc giảm ho, long đàm, giảm sung huyết và hạ sốt, giảm đau. Trên thị trường có nhiều loại thuốc giảm ho với hai loại hoạt chất thông dụng nhất là Codéine và Dextrométhorphan. Nhiều trường hợp ho do nguyên nhân nhiễm khuẩn hô hấp, việc điều trị cần phải sử dụng kháng sinh. Trong trường hợp này, loại thuốc kháng sinh, liều lượng dùng và thời gian điều trị phải do bác sĩ chỉ định. Cả hai hoạt chất giảm ho trên đều có tính chất ức chế trung tâm hô hấp, giảm thiểu cường độ ho và tần số ho. Tuy nhiên, hiện nay khuynh hướng dùng Codéine đang giảm dần vì đây là một tiền chất dùng để chế tạo một chất ma túy nguy hiểm, đó là heroin. Tổ chức Y tế Thế giới hoan nghênh bất cứ giải pháp nào làm giảm sử dụng Codein trong y tế vì số lượng Opium cần đến cho việc sản xuất Codein càng nhỏ đi thì cơ hội đi vào con đường bất hợp pháp càng ít lại (Theo WHO Technical Report Series 1992).

Các loại thuốc ho chứa hàm lượng 10mg Codein không nên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi và nếu hàm lượng Codein trong một viên thuốc ho lên đến 25mg thì không nên dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi. Thuốc ho long đàm thường là sự kết hợp một chất chống ho với một hoặc nhiều chất làm long đàm như Guaiphenesin, Terpin v.v...

THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC GIẢM HO

- Ho là cơ chế bảo vệ của cơ thể vì phản xạ ho giúp làm sạch đường thở, che chở phế quản phổi vì thế việc điều trị ho cần phải kết hợp với việc điều trị nguyên nhân gây ra ho.

- Khi sử dụng thuốc giảm ho cho trẻ em cần chú ý: Hàm lượng thuốc trong xi-rô hoặc thuốc viên vì có thể cùng một tên thuốc nhưng hàm lượng khác nhau về hoạt chất để có thể dùng được cho trẻ sơ sinh, em bé dưới 5 tuổi hoặc trẻ em dưới 15 tuổi. Sự nhầm lẫn của cùng một loại thuốc nhưng khác hàm lượng có thể dẫn đến nguy hiểm cho trẻ em, làm suy hô hấp.

- Dạng thuốc ho thường được ưa chuộng dùng cho trẻ em là dạng xi-rô với hương vị trái cây thơm ngon giúp bé dễ uống thuốc.

- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng: Một số nhà sản xuất có hướng dẫn kỹ về liều lượng sử dụng cho trẻ em tùy theo tuổi hoặc cân nặng tính theo muỗng cà phê hoặc muỗng lường kèm theo (nếu không có chỉ định của BS).

Tóm lại, tuy thuốc cảm ho là loại thuốc thông thường mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng đều có mua qua để trị bệnh cho con cái nhưng việc chú ý đến các hoạt chất thuốc, tác dụng chính trị bệnh, các thận trọng cần thiết để hạn chế tác dụng phụ gây hại, tránh nhầm lẫn sẽ góp phần mang lại an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc thông thường trị cảm ho.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa