THUỐC LÀM CHO ỐM

DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

"Ốm" ở đây không phải là bị bệnh mà là "gầy ốm". Chúng tôi thường nhận thư thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ hỏi về thuốc và sức khỏe và nhận thấy có hai mối quan tâm: Một là ốm muốn cho "có da có thịt" hơn, hai là mập muốn có "thân hình mảnh mai" hơn. Đặc biệt nhiều chị em muốn giảm mập nhưng ngỏ ý chỉ thích dùng thuốc làm cho ốm chứ không muốn chọn các biện pháp khác. Trong khi thuốc làm cho ốm có loại rất nguy hiểm, sử dụng sai sẽ bị các tai biến. Hay như có người ăn rất nhiều chanh, uống dấm như uống nước lã vì nghe rằng các thứ này được dùng như thuốc làm gầy ốm. Làm như thế rất tai hại bởi vì gầy ốm không thấy mà trước mắt, dạ dày khổ sở do ăn chanh, uống dấm vào lúc bụng đói nên bị bào mòn.

Trước hết, ta cần biết một số nguyên nhân dẫn đến chứng béo mập:

- Ắn uống quá nhiều chất sinh ra năng lượng như chất đường, chất bột, chất béo nhưng lại thiếu sự vận động thích hợp để tiêu bớt năng lượng đó đi.

- Rối loạn sự biến dưỡng, sự hoạt động của một số hệ enzym trong cơ thể.

- Rối loạn hoạt động tuyến nội tiết như tuyến giáp, tuyến não thùy, tuyến sinh dục.

Thông thường, nguyên nhân đầu tiên là phổ biến, tức là ăn quá thừa và lười vận động sinh ra béo mập. Như vậy, phương cách chống béo mập chủ yếu là: điều chỉnh lại ăn uống, giảm bớt chất béo, bột đường, gia tăng rau quả, song song với việc năng vận động, tập thể dục thể thao. Riêng tập thể dục, muốn xuống cân phải có những động tác và cường độ tập thích đáng. Muốn vậy, cần tham gia tập tại các trung tâm tập thể dục thẩm mỹ, chứ tập ở nhà nhiều khi không đủ để giảm mập.

Đối với thuốc Tây y, có một số thuốc làm cho ốm bằng cách:

? Làm no đầy ống tiêu hóa với chất độn: đó là các thuốc như Coréine, Pseudophage, Décorpa, như thuốc Décorpa có chứa gôm Sterculia khi uống vào không hấp thu mà chỉ hút nước trương nở làm đầy bụng, do đó gây cảm giác no, người dùng thuốc không muốn ăn. Lưu ý, thuốc không được dùng khi bị chứng hẹp đường tiêu hóa hay chứng to kết tràng.

? Gia tăng sự biến dưỡng: Như thuốc Lipolysin F chứa nội tiết tố tuyến giáp thyroxin nhằm gia tăng biến dưỡng ở tế bào. Thuốc chỉ công hiệu trong trường hợp béo mập vì thiếu thyroxin.

? Gây sự chán ăn: đó là các thuốc có chứa hoạt chất amphetamin hoặc các dẫn chất có tác dụng tương tự như amphetamin. Có thể kể tên các biệt dược như: Benzedrine, Phenamin, Mirapront, Mirapront N (nhiều thư thắc mắc chúng tôi nhận được đề cập đến thuốc Mirapront N nằm trong nhóm thuốc này), Isoméride, Didrex, Anorex, Tepanil, Adifax, Pondéral... Các thuốc loại này tác động lên hệ thần kinh trung ương gây kích thích (làm cho khó ngủ, có thể thức qua đêm), đặc biệt làm giảm cảm giác đói. Người dùng thuốc quên đói, ăn mất ngon và không muốn ăn. Ắn không được và có thể ngủ không được (do thuốc làm mất ngủ), người dùng thuốc sẽ bị gầy ốm.

Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc phải đề cao cảnh giác, bởi vì có thể trở thành nguy hiểm do gây nghiện! Nên lưu ý, người nghiện ma túy thường kết hợp sử dụng thêm thuốc kích thích gây chán ăn này để tăng thêm cảm giác khoái cảm. Còn một số người từ sử dụng thuốc làm cho ốm này sau đó đâm ra nghiện không bỏ thuốc được và cuối cùng, nghiện luôn cả ma túy. Do tác dụng kích thích nên tuyệt đối không dùng thuốc khi có bệnh tim mạch, bị cao huyết áp, bị glaucome khép góc. Do tính chất gây nghiện nên không được dùng thuốc quá 4 tuần. Một số thuốc không còn lưu hành ở nước ta như amphetamin (Maxiton) hay Mirapront N nhưng nhiều thuốc khác vẫn còn được sử dụng. Và ở nhiều nước thuốc được sử dụng theo toa rất chặt chẽ. Thuốc chỉ được bác sĩ chỉ định trong thời gian ngắn đối với người bị bệnh béo phì thuộc loại trung bình hoặc nặng và khi chế độ ăn kiêng áp dụng không có hiệu quả. Việc sử dụng thuốc cũng được thầy thuốc theo dõi rất kỹ. Ngày 24/9/1997, Cục Quản lý Dược nước ta đã có thông báo (số 28/QLD-QĐ, rút số đăng ký biệt dược gây chán ăn Adifax (Fenfluramin) và Ponderal (Dexfenfluramin) do nhà sản xuất báo cáo thuốc gây một số biến chứng nguy hiểm.

Rõ ràng là các thuốc làm cho ốm đều có phần nguy hiểm, riêng thuốc làm cho ốm theo cơ chế gây chán ăn đặc biệt nguy hiểm hơn do tính chất gây nghiện. Vì vậy, các chị em không nên tự ý sử dụng thuốc làm cho ốm một cách tùy tiện. Nếu muốn dùng thuốc nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa