KẼM: MỘT VI LƯỢNG TỐ ĐA CÔNG DỤNG

DS. TRƯƠNG TẦT THỌ

Theo Micrometriments & bonne santé

Kẽm là kim loại trắng ánh xanh, được tìm thấy trong thiên nhiên và là nguyên tố đa công dụng không thể thiếu trong cuộc sống cả động vật lẫn thực vật. Kẽm có mặt hầu hết ở các cơ quan trong cơ thể nhất là dự trữ ở cơ, xương, tim, tuyến tụy, tuyến tiền liệt để đảm đương nhiều chức năng sinh học. Và nếu bạn mệt mỏi mãn tính, có thể bạn đang cần kẽm...

Vai trò của kẽm đối với sức khỏe

Từ xưa kẽm đã được dùng làm lành vết thương và chữa bỏng. Rồi nhiều thế kỷ trôi qua, kẽm đi vào quên lãng. Nhờ có GS Alain Favier mà kẽm hồi sinh từ 15 năm nay như là một kim loại quý cho sự phát triển của tế bào. Giống như các vi lượng tố khác, kẽm ngày nay được coi là một trong những nguyên tố cần thiết nhất cho con người. Kẽm hiện diện trong hơn 200 enzym tham dự vào các phản ứng cần thiết cho sự phát triển.

- Giúp cơ thể đồng hóa và sử dụng lipid, glucid, protid.

- Tổng hợp acid nucleic tạo nên các gen di truyền, giúp tế bào phát triển và hoạt động tốt.

- Tăng cường hệ miễn nhiễm, bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhiễm của vi khuẩn, hóa chất.

- Tham gia quá trình thành lập hormon nam testosteron. Việc thiếu kẽm có thể làm giảm khả năng thụ tinh của đàn ông.

- Chống oxy hóa, chống lại các gốc tự do gây nên sự già cỗi của tế bào và phòng ngừa các bệnh tim mạch.

- Tham gia quá trình tổng hợp, bài tiết và hoạt động của nhiều hormon khác như oestrogen, insuline, hormon tăng trưởng v.v...

- Giúp ăn ngon.

Hiện nay vẫn còn nhiều công trình nghiên cứu để tìm thêm các chức năng khác của kẽm.

Nhu cầu và nguồn cung cấp

- Trẻ sơ sinh: 6mg/ngày. Thanh thiếu niên 10-19 tuổi: 12-15mg/ngày

- Người lớn và người cao tuổi: 12-15mg/ngày. Phụ nữ mang thai và cho con bú: 20mg/ngày.

Kẽm có nhiều ở thịt màu đỏ, cá, sò, nghêu, ngũ cốc, rau quả khô. Tuy nhiên kẽm có nguồn gốc thực vật lại kém bị hấp thu hơn.

Vì sao thiếu kẽm và những ai cần kẽm?

- Do thiếu cung cấp: Thực phẩm không cân đối, ít cá thịt và nhiều sợi làm chậm hấp thu kẽm ở ruột.

- Do thuốc men: Uống thuốc dài ngày liều cao như aspirin hoặc những thuốc chứa sắt sẽ ngăn cản sự hấp thu kẽm.

- Do bệnh: Tiểu đường và các bệnh viêm mãn tính làm tăng nhu cầu kẽm, các bệnh ở ruột làm rối loạn hấp thu.

Ngay cả những nước tiên tiến, việc thiếu kẽm vẫn thường xảy ra:

- Trẻ em: Từ 18-25% trẻ em được cung cấp kẽm 2/3 nhu cầu, 15% có dấu hiệu thiếu kẽm.

- Phụ nữ mang thai: Hơn 50% phụ nữ không nhận đủ 2/3 nhu cầu kẽm nên khi mang thai sự thiếu hụt sẽ trầm trọng hơn. Việc thiếu hụt có thể cản trở tiến trình mang thai, làm bào thai chậm phát triển đôi khi gây dị dạng bào thai.

- Những người bị bệnh da như psoriasis, eczema mãn làm tăng sự mất kẽm và khi hồi phục làm tăng nhu cầu.

- Người cao tuổi: do hấp thu kẽm kém. Khoảng 30% phụ nữ trên 50 tuổi có nồng độ kẽm trong máu thấp. Tuổi càng cao, nồng độ kẽm càng thấp hơn.

Chữa trị thiếu kẽm

Thiếu kẽm biểu hiện dễ thấy nhất là sự xuất hiện các chấm trắng trên móng tay. Ngược lại quá liều kẽm (trên 200mg/ngày) có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, tim mạch. Vì vậy cần thận trọng khi tự ý dùng thuốc.

Các dấu hiệu thiếu kẽm cần quan tâm: chậm lành vết thương, móng tay dòn, dễ gãy, thường bị tiêu chảy, da khô, rụng tóc, mệt nhọc, kém ăn. Nếu trên 50 tuổi thường bị nhiễm trùng, giảm trương lực.

Khi điều trị bổ sung kẽm cần theo dõi nồng độ kẽm trong máu để bổ sung cho đến khi cân bằng. Trong trường hợp thiếu nhẹ, việc thay đổi thành phần bữa ăn sẽ mang lại kẽm cần thiết. Ngược lại nếu thiếu nặng, kết hợp với một bệnh khác, bác sĩ có thể chỉ định dùng kẽm dưới dạng thuốc với liều cao.

Định lượng máu sẽ giúp phát hiện thiếu kẽm.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa