THUỐC TRỊ CHỨNG KHÓ
TIÊU ĐẦY BỤNG
DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Khó tiêu đầy bụng là
triệu chứng cảm thấy no hơi, nặng bụng, chướng bụng, có khi buồn nôn và nôn
ói. Thường xảy ra sau khi ăn do hệ tiêu hóa hoạt động không tốt.
Nguyên nhân thông thường
đưa đến chứng khó tiêu đầy bụng có thể kể như sau:
1. Do cách ăn uống
Có người chỉ cần ăn nhiều
tinh bột, chất xơ hoặc bữa ăn có nhiều chất béo, gia vị là bị chứng rối loạn
này. Hoặc do ăn quá nhanh, nhai không kỹ, có người chan nước vào thức ăn
thật nhiều để ăn được mau, trong khi ăn không được thoải mái về mặt tinh
thần, ăn no xong là nằm ngay cũng có thể bị khó tiêu đầy bụng.
2. Do lạm dụng các
chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá
Các chất này làm tăng
tiết acid dịch vị có thể gây thêm cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị.
3. Do nuốt nhiều không
khí
Người có tâm trạng bồn
chồn, lo lắng, căng thẳng hay nuốt nhiều không khí trong và giữa các bữa ăn.
Đặc biệt đối với trẻ còn bú, cách cầm bình sữa không đúng có thể làm cho trẻ
nuốt nhiều không khí, sau đó lại không làm cho ợ hơi có thể làm trẻ không
tiêu, bị trớ, ọc sữa.
4. Do hệ tiêu hóa yếu
kém
Như có người thiếu dịch
men (còn gọi là enzym) tiêu hóa hoặc có sự giảm nhu động dạ dày đưa đến dạ
dày đẩy thức ăn xuống ruột chậm gây nên tình trạng ứ trệ thức ăn ở dạ dày.
Các nguyên nhân thông
thường kể trên còn gọi là nguyên nhân chức năng do khi được
thăm khám bệnh, làm xét nghiệm thăm dò, không tìm được một bệnh nào cả.
Ta nên lưu ý, khó tiêu,
đầy bụng cũng có thể là triệu chứng của các bệnh gọi là nguyên nhân
thực thể như sau:
·
Các bệnh của hệ tiêu hóa:
Như viêm loét dạ dày - tá tràng, thậm chí là ung thư dạ dày, bệnh trào ngược
dạ dày - thực quản, bệnh gan mật.
·
Các bệnh rối loạn chuyển hóa: Như đái tháo đường, cường giáp...
·
Do dùng thuốc chữa bệnh:
Như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng viêm, thuốc giãn
phế quản v.v...
·
Do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: Hiện nay người ta đặc biệt lưu ý về vai trò của loại vi
khuẩn này trong bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng và chính nó có thể gây tình
trạng khó tiêu, đầy bụng.
Về thuốc trị chứng khó
tiêu đầy bụng, có thể dùng các thuốc sau đây:
1. Thuốc chống acid,
chống tiết acid và chống đầy hơi
Được dùng khi bị chứng
khó tiêu, đầy hơi do dư acid dịch vị tức là chất chua trong dạ dày như:
Maalox Plus, Maloxal S, Phosphalugel, Gasvicon, Pepsan... các thuốc này vừa
có tác dụng trung hòa acid vừa chống đầy hơi trong dạ dày. Hoặc dùng dạng
sủi bọt như: Normogastryl. Hoặc dùng thuốc kháng tiết acid như: Cimetidin,
Ranitidin, Omeprazol v.v...
2. Thuốc giúp điều hòa
sự co bóp dạ dày
Đùng khi sự co bóp dạ dày
kém đưa đến sự chuyển đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột chậm. Có thể dùng
thuốc như: metoclopramid (Primpéran) domperidon (Motilium-M), cisaprid
(Prepulsid).
3. Thuốc giúp tiêu hóa
Đó là thuốc chứa các men
tiêu hóa để giúp sự tiêu hóa thức ăn ở dạ dày dễ dàng hơn như: Festal,
Pancré lase, Neopeptine, Alipase...
Trên đây là các thuốc mà
người bị chứng khó tiêu đầy bụng có thể sử dụng để cải thiện tình trạng rối
loạn. Liều lượng và cách uống có thể hỏi dược sĩ, nhân viên bán thuốc tại
các nhà thuốc để được hướng dẫn đúng.
Có một số điều chúng
ta cần lưu ý như sau:
1. Nên quan tâm đến cách ăn uống để
tránh chứng khó tiêu đầy bụng như ăn chậm, nhai kỹ, tạo các yếu tố thoải mái
trong bữa ăn, tránh dùng các thực phẩm mà kinh nghiệm cho thấy gây chứng khó
tiêu (như thức ăn chiên quá nhiều dầu mỡ), không lạm dụng rượu, cà phê,
thuốc lá, gia vị gây kích thích.
2. Trước khi dùng thuốc, có thể dùng
gừng giã nhỏ lấy nước hòa với nước âm ấm uống, theo nhiều người nhận thấy có
thể làm giảm chứng khó tiêu.
3. Chỉ nên dùng các thuốc kể trên
khoảng 5-7 ngày, nếu sau đó chứng khó tiêu, đầy bụng không cải thiện rõ rệt,
nên đi bác sĩ khám bệnh.
Ta cần đi đến bác sĩ
chuyên khoa khám bệnh bởi vì có thể bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc khác cần
được kê toa như thuốc an thần giải lo lắng chẳng hạn. Hơn nữa, như trên đã
trình bày, nguyên nhân gây ra chứng khó tiêu, đầy bụng có thể do một căn
bệnh nào đó gây ra, chỉ có bác sĩ khám mới tìm ra nguyên nhân và cho hướng
điều trị đúng đắn.
Có một số trường hợp rất
cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, nếu chậm trễ trong chẩn đoán sẽ ảnh
hưởng không tốt đến kết quả điều trị. Đó là người đã ngoài 45 tuổi, triệu
chứng khó tiêu đầy bụng ở những người này có thể khởi đầu của viêm loét dạ
dày - tá tràng, thậm chí của ung thư dạ dày. Hoặc ở những người có dấu hiệu
sụt cân, đi tiêu phân đen, bị vàng da, nuốt khó.
Tóm lại, khó tiêu đầy
bụng là triệu chứng hay gặp. Nó có thể chỉ là dấu hiệu cho biết có rối loạn
nhẹ mà sự điều chỉnh cách ăn uống, dùng một số thuốc thông thường có thể cải
thiện. Nhưng nó cũng có thể là triệu chứng báo động cho một căn bệnh nào đó,
có khi là nghiêm trọng cần được thăm khám sớm và điều trị đúng đắn.