TƯƠNG TÁC THUỐC LÀ GÌ?

DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Tương tác thuốc là hiện tượng tác động qua lại giữa hai hay nhiều thuốc khi dùng phối hợp chung, theo nhiều cơ chế khác nhau có thể gây ra tác dụng có lợi hoặc bất lợi đối với cơ thể người bệnh. Khi tương tác thuốc gây ra tác dụng có lợi, ta gọi là tương tác thuốc tăng tác dụng hay tương tác thuốc hiệp đồng. Còn tương tác thuốc gây ra sự bất lợi ta gọi là tương tác thuốc giảm tác dụng hay tương tác thuốc đối kháng. Ta phân biệt các trường hợp sau:

1. Tương tác thuốc hiệp đồng

Việc tạo nên tương tác thuốc hiệp đồng là mục đích của các nhà điều trị. Trong toa thuốc của thầy thuốc chỉ định nhiều loại thuốc, có thể để trị nhiều triệu chứng của bệnh, nhưng nhiều khi để tạo tương tác thuốc hiệp đồng, nhằm nâng cao tác dụng điều trị trong khi liều từng thứ thuốc được giảm, do đó giảm bớt độc tính hay tác dụng phụ. Chính các nhà bào chế thuốc cũng khai thác tương tác thuốc có lợi này. Thí dụ như CO_Trimoxazol (Bactrim) là thuốc kết hợp sẵn Sulfamethoxazol và Trimethoprim để cho tác dụng kháng khuẩn tốt hơn. Hay biệt dược Rethizid kết hợp Reserpin và Hydroclorothiazid trị cao huyết áp, Hydroclorothiazid có tác dụng lợi tiểu làm giảm lưu lượng tuần hoàn, nhờ đó tác dụng hạ huyết áp của Reserpin sẽ tốt hơn so với dùng đơn độc.

2. Tương tác thuốc đối kháng

Các nhà điều trị hết sức tránh những phối hợp thuốc làm giảm tác dụng của nhau tức là tránh tương tác thuốc đối kháng. Ở đây không kể trường hợp đặc biệt là có lúc người ta sử dụng loại tương tác này để giải độc khi ngộ độc thuốc (như dùng thuốc kích thích Amphetamin để điều trị ngộ độc thuốc ngủ). Có 3 loại tương tác thuốc đối kháng:

a. Tương tác thuốc đối kháng hóa học

Loại tương tác này xảy ra khi trộn chung thuốc bên ngoài trước khi đưa vào cơ thể, thường gặp khi trộn thuốc trong ống thuốc tiêm hay trong dung dịch tiêm truyền. Nếu thuốc kỵ nhau về mặt hóa học khi trộn chung có thể đưa đến kết tủa dung dịch tiêm. Đây là trường hợp có thể nhận biết và tránh được. Nhưng nguy hiểm hơn là có những phản ứng không nhìn thấy được nhưng nó tạo ra sản phẩm không còn hoạt tính hay độc tính đối với cơ thể. Thí dụ như không nên trộn hai kháng sinh Methicillin và Kanamycin trong tiêm truyền vì sẽ làm giảm hoạt tính.

b. Tương tác thuốc đối kháng dược động học

Loại tương tác này xảy ra trong quá trình thuốc luân chuyển trong cơ thể đến khi phát huy tác dụng, đó là các giai đoạn: hấp thu, phân bố, chuyển hóa và cuối cùng là đào thải thuốc. Thí dụ: thuốc kháng sinh loại Tetracyclin được khuyên không dùng cùng lúc với thuốc bổ máu chứa sắt (Fe) hay thuốc kháng sinh acid có chứa nhôm (Al), Calci (Ca), Magiê (Mg) vì các chất này tạo với Tetracyclin thành hợp chất không hấp thu được. Hay thuốc kháng acid, thuốc có chứa than hoạt, thuốc nhuận tràng nếu dùng chung nhiều loại thuốc khác sẽ làm giảm sự hấp thu các thuốc này (nên uống cách xa các thuốc khoảng 2 giờ).

Trong giai đoạn phân bố thuốc, nếu dùng chung thuốc Sulfamid hạ đường huyết với Phenylbutazon, thuốc Phenylbuzon tương thanh kết dính với protein - máu làm cho thuốc Sulfamid hạ đường huyết ở trạng thái tự do nhiều hơn, do đó làm tăng tác dụng hạ đường huyết gây nguy hiểm.

Phụ nữ đang uống thuốc ngừa thai cần tránh uống một số thuốc như: Phenobarbital, Doxycyclin, Griseofulvin, Ampicillin, Ripampicin, Phenytoin... Vì các thuốc sau này làm tăng chuyển hóa thuốc ngừa thai, có thể đưa đến "vỡ kế hoạch".

c. Tương tác thuốc đối kháng dược lực học

Là tương tác do sự đối lập về tác dụng của thuốc. Thí dụ, nếu dùng chung Atropin sẽ hủy tác dụng của Pilocarpin. Hoặc trên lý thuyết, không nên phối hợp một kháng sinh kìm khuẩn (thí dụ: Tetracyclin), một kháng sinh diệt khuẩn (như Penicillin). Bởi vì, kháng sinh kìm khuẩn gây nên sự ngưng tăng trưởng của vi khuẩn, làm hạn chế hiệu lực của kháng sinh diệt khuẩn là kháng sinh có tác dụng chủ yếu trên vi khuẩn đang tăng trưởng.

Ngoài các tương tác đối kháng kể trên, còn phải kể thêm loại tương tác nếu phối hợp hai hay nhiều thuốc sẽ làm gia tăng độc tính hoặc tác dụng phụ và cũng là loại tương tác cần phải tránh. Thí dụ, không phối hợp hai loại kháng sinh cùng họ Aminosid (Streptomycin, Kanamycin, Gentamycin...) vì làm tăng độc tính đối với tai và thận. Hay không phối hợp hai thuốc chống viêm không steroid dùng cùng lúc vì không tăng hiệu lực mà chỉ tăng các tác dụng phụ (tức đã dùng Diclofenac không nên dùng thêm Ibuprofen, Piroxicam...). Sự nhầm lẫn trong phối hợp thuốc thường xảy ra do thiếu kiến thức về tương tác thuốc. Vì vậy, đòi hỏi các nhà chuyên môn không ngừng nâng cao kiến thức trong lĩnh vực này. Riêng người sử dụng thuốc, nên tránh dùng thêm thuốc khi không có sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Không phải tự ý dùng thêm thuốc là sẽ mau hết bệnh mà có khi sẽ gặp nguy hiểm rất đáng tiếc.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa