ẢNH HƯỞNG CỦA RƯỢU TRONG KHI DÙNG THUỐC

BS. VŨ HƯỚNG VĂN

Tùy theo loại rượu mà có hàm lượng cồn etylic thấp hay cao. Nhiều người coi rượu như một chất kích thích uống khai vị để ăn ngon miệng và uống trong mọi dịp: uống để vui, uống giải sầu, uống để tăng lòng can đảm... Khắp thế giới người ta đua nhau càng ngày càng uống nhiều rượu và nước giải khát có rượu. Nhưng tác hại của rượu nhất là trong khi đang dùng thuốc thì nhiều người chưa biết.

Nói một cách công bằng thì rượu cũng có mặt tốt là kích ứng ống tiêu hóa, tăng tính thấm của một số thuốc mà lúc thường rất khó thấm. Một số rượu thuốc y học dân tộc theo kinh nghiệm cổ truyền thường ngâm động vật, hoặc thực vật vào rượu chiết rút ra các chất thuốc và uống để hấp thu tốt. Còn với các thuốc tân dược, rượu không phải là bạn đồng hành, thường là tương khắc nổi lên một số vấn đề cần đặc biệt lưu ý:

Tuyệt đối không uống rượu trong khi đang uống các loại thuốc an thần như: Diazepam (các biệt dược: Seduxen, Valium, Dizepin...) và Meprobamat... Khi uống các loại thuốc này cùng một lúc với rượu, thuốc sẽ tăng hấp thu vì tăng hòa tan trong rượu, và vì lưu lượng máu ở ruột tăng lên sau khi uống rượu. Rượu làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của Diazepam... làm cho người bệnh ngủ mê mệt. Nhưng trước đó các tác dụng phụ của thuốc cũng tăng mạnh như rối loạn thăng bằng, mất tự chủ về tư thế, giảm trương lực cơ.

Rượu và thuốc ngủ Cloral hydrat (biệt dược: Dormal, Chloradorm, Noctec...), Barbitura (biệt dược: Gardenal, Luminal, Henobarbitone...) khi đồng hành trong cơ thể người có thể gây phản ứng mạnh dưới dạng giãn mạch, đánh trống ngực, hạ huyết áp đột ngột (thường gặp ở người có bệnh tim mạch).

Với thuốc hạ nhiệt giảm đau Aspirin nếu gặp rượu trong dạ dày cũng gây tác hại lớn. Khi đó sẽ xảy ra phản ứng oxy hóa, Aspirin tăng cường phân hủy rượu ngay tại dạ dày (do vậy có thể uống nhiều rượu không say), tăng tác dụng kích ứng niêm mạc dạ dày dễ gây loét niêm mạc, kéo dài thời gian chảy máu. Ngoài ra rượu còn có khả năng làm tăng việc tạo thành các chất chuyển hóa độc với gan của Paracetamol ( thuốc hạ nhiệt giảm đau có trong nhiều biệt dược khác nhau).

Thuốc lợi niệu Furosemid (biệt dược: Lasix, Afsamid, Franyl...) Cũng thường được dùng trong điều trị bệnh cao huyết áp - nó thải nhiều các ion natri, kali ra ngoài cơ thể. Rượu cũng có tác dụng tương tự vì vậy nếu chúng đồng thời "có mặt" trong cơ thể người bệnh có thể gây nên các biến chứng như nôn, tiêu chảy, giảm huyết áp, suy tim cấp... do mất nhiều kali.

Với thuốc Metronidazon (biệt dược: Flagyl, Klion, Vagimid...) dùng điều trị lỵ amibe, hoặc trùng roi âm đạo; Chlorpropamid (điều trị bệnh tiểu đường); kháng sinh Cloramphenicol, Cephalosporin... nếu cùng uống với rượu sẽ tạo ra những phản ứng rất khó chịu như: nóng bừng mặt, mờ mắt, hồi hộp, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi, tụt huyết áp, lú lẫn...

Rượu còn làm tăng tác dụng trầm cảm của các thuốc kháng histamin đối với hệ thần kinh trung ương, và tình trạng có thể kéo dài suốt 2 tuần sau khi đã ngừng thuốc.

Người đang dùng thuốc chống lao cũng không được uống rượu. Rượu ức chế chuyển hóa thuốc qua gan, làm tăng độc tính của các thuốc chống lao. Nếu uống Isoniazid, còn uống thêm rượu là một điều rất nguy hiểm.

Với vitamin, rượu cũng không phải là "bạn đường". Gần đây các công trình nghiên cứu của Judith Halfrisch (công tác tại Trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) cho thấy rõ là rượu đã trực tiếp phá hủy trong gan các enzym cần thiết cho việc sử dụng các loại vitamin B.

Ngoài ra có một số thuốc (thí dụ Haloperidol...) lại làm chậm chuyển hóa cồn etylu trong cơ thể, do đó làm tăng nồng độ cồn trong máu, tăng tác dụng và độc tính của rượu.

Nhân đây cũng xin nói mấy lời về bia. Tuy bia có độ cồn etylic rất thấp (một thứ rượu nhạt), nhưng như ca dao đã nói: "Rượu nhạt uống lắm cũng say..." nói chung 400ml bia cũng chứa một hàm lượng etylic tương đương với 1 chén (50ml) rượu ngang 40 độ.

Tóm lại trong khi đang phải dùng thuốc chữa bệnh thì tất cả vì sức khỏe, vì sự mau lành mạnh không nên uống rượu, cũng không uống nhiều bia.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa