VỀ THUỐC BÔI CÓ CHÂT CORTICOSTEROIDE

BS. HUỲNH HUY HOÀNG

Bệnh viện Da liễu TPHCM

Vào những ngày sau giải phóng miền Nam, ở tại miền Nam Việt Nam có 2 loại thuốc bôi chuyên chữa trị chứng ngứa ngoài da mà rất nhiều người biết đến. Đó là thuốc bôi có chứa chất corticosteroide hay nói ngắn hơn là corticoide, tên thương mại là Cortibion (chứa dexamethasone và chloramphenicol) và Synalar (chứa fluocinolone acetonide và neomycin sulfate).

Hai dược phẩm này là của Pháp được bào chế tại TPHCM. Thuốc bôi này chữa trị chứng viêm ngứa rất công hiệu và có rất nhiều người mua về sử dụng và gửi vào nhiều trường, trại. Synalar chỉ được sản xuất trong nước một thời gian dài và hiện nay đã không còn sản xuất tại đây nữa, còn Cortibion vẫn tiếp tục tồn tại và đã được một số ít dược sĩ bắt chước theo công thức của Cortibion để bào chế và bán ra thị trường với nhiều tên thương mại khác nhau như: Cortibios, Cortebios, Corticine, Kemicort v.v... Trong lúc đó ở miền Bắc ưu thế về thuốc bôi có chứa chất corticoid là Flucinar (chứa fluocinolone), một dược phẩm nhập từ Ba Lan. Những loại thuốc bôi kể trên đã tung hoành và bán rất chạy trên khắp đất nước Việt Nam ít nhất là 10 năm trước cho đến khoảng từ năm 1990 trở về sau này trên thị trường Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện "rõ nét" nhiều loại thuốc bôi chứa corticoid, một số ít được sản xuất trong nước, còn lại đa số là được nhập từ những nước ngoài như Hàn Quốc, Pháp, Ần Độ, Thái Lan, Mỹ, Hong Kong, Đài Loan, Thụy Sĩ, Ba Lan v.v... Trên thị trường hiện nay chúng ta dễ dàng gặp những loại thuốc bôi như: Cortibion, Cidermex (Việt Nam); Gentrisone, Triderme, Acozol-G (Hàn Quốc); Diprosone, Diprosalic (Pháp), Eumovate, Betnovate, Dermovate (Thái Lan); Flucinar, Loriden A-C (Ba Lan); Sicorten plus, Locasalene (Thụy Sĩ); Elocon (Mỹ); Ultracomb (Malaysia) v.v... trong số đó có một số thuốc được nhượng quyền sản xuất tại châu Á để làm giảm giá thành và dễ xâm nhập vào thị trường các nước gần gũi.

Thành phần chất corticoid trong thuốc bôi cũng khác nhau, nhưng đa số đều chứa chất corticoid có tác dụng trung bình mạnh như: triamcinolone, acetonide, betamethasone (valerate, dipropionate), flumethasone v.v...

Sử dụng thuốc bôi có corticoid kéo dài có thể làm da dễ bị nhiễm nấm và nhiễm trùng thêm, cho nên các nhà bào chế thường cho thêm một số chất vào trong thuốc, ví dụ thêm thuốc vừa chống vừa phòng ngừa nhiễm trùng như: gentamycin, neomycin, chloramphenicol, clioquinol hoặc thêm thuốc chống và phòng ngừa nhiễm nấm như: clotrimazole, econazole, nystatin. Có thuốc chỉ thêm một chất, có thuốc thêm hai, thậm chí có thuốc thêm cả ba chất. Ngoài ra còn có thuốc bôi cho thêm acid salicylic để làm mỏng đi những tổn thương da bị dày và ngứa. Ba dạng thuốc thông dụng trên thị trường là dạng kem (cream), mỡ (ointment); dung dịch (lotion). Dạng kem dùng cho tổn thương da ngứa chưa bị dày sừng, dạng mỡ dùng cho da bị dày khô, dạng dung dịch dùng cho da có nhiều lông tóc.

Cho đến nay, có thể nói có hai trường phái khác nhau trong việc dùng thuốc điều trị bệnh viêm và dị ứng da. Một trường phái chủ trương dùng thuốc bôi corticoid, lý do đưa ra là muốn có một tác dụng chống viêm da dị ứng tại chỗ nhanh chóng tức thời, kèm với thuốc uống chống dị ứng toàn thân, ít mất thời giờ hơn và được đa số người bệnh ưa thích khi thấy bệnh mau giảm. Trường phái còn lại chủ trương không dùng thuốc có corticoid, vẫn cho thuốc uống chống dị ứng toàn thân, chịu khó mất nhiều thì giờ tìm nguyên nhân để phòng tránh, cách giải quyết này có thể làm bệnh lâu giảm, nhiều người bệnh không thích, trường phái này cho rằng corticoid không giải quyết được gốc của bệnh.

Sử dụng thuốc bôi corticoid thường xuyên dễ gây bệnh phát ngược trở lại nặng hơn sau khi ngừng bôi. Nếu cứ tiếp tục sử dụng thuốc lâu dài thì dễ gây một số tác dụng phụ, những tác dụng phụ có thể xảy ra là: gây teo mỏng da, rạn da, dãn mao mạch, nổi mụn nhiều, đỏ da, mất sắc tố v.v...

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc bôi có corticoid là:

- đối với bệnh viêm da dị ứng có kèm nhiễm trùng, nhiễm nấm thì cần uống thêm thuốc chống nhiễm trùng hoặc chống nấm, không nên ỷ lại là trong thành phần thuốc bôi đã có saün thuốc chống nhiễm trùng hoặc chống nấm.

- Tránh không bôi thuốc trên vùng da rộng kéo dài và băng kín vết thương, vì khi đó có thể là tăng sự hấp thu toàn thân của thuốc, có thể đưa đến sự ức chế tuyến yên, tuyến thượng thận.

- Không nên sử dụng thuốc dài ngày.

- Thuốc cũng có thể gây phản ứng mẫn cảm như ngứa thêm, phát ban đỏ, nổi mụn nước, phỏng nước. Khi đó nên ngừng thuốc.

- Hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho thai phụ và trẻ em.

Ngoài ra không nên dùng thuốc bôi có corticoid trong những trường hợp sau:

- Vết thương của bệnh lao da, giang mai, Zona, Herpes, thủy đậu.

- Tiền sử có mẫn cảm với thành phần của thuốc.

- Loét da, bỏng từ độ 2 trở lên.

Thị trường thuốc bôi có chất corticoid ở Việt Nam rất đa dạng, phong phú. Hiện nay đang có một cuộc cạnh tranh ráo riết, nhiều loại thuốc bôi đã được quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, tiếp thị liên tục với các bác sĩ, dược sĩ. Nhiều thuốc đã có chính sách khuyến mãi như giảm giá, mua thuốc có tặng quà, gần đây mới xuất hiện chiêu bài mua thuốc được tặng phiếu xổ số đi Thái Lan 5 ngày dành cho một người. Đương nhiên việc cạnh tranh đúng đắn, thuốc có chất lượng tốt, giá hạ thì có lợi cho nhiều đối tượng nhất là người bệnh.

Trước "một rừng" thuốc bôi có chứa chất corticoid, các bác sĩ, dược sĩ, nhất là bác sĩ da liễu thường hay chọn thuốc nào? Cho đến nay thật là khó khẳng định được thuốc nào chiếm ưu thế mạnh. Thông thường nhiều bác sĩ da liễu hay sử dụng thuốc bôi có chất lượng tốt giá cả hợp lý và cũng tùy theo "khả năng" tiếp thị của trình dược viên nữa. Đương nhiên là thuốc được phép nhập chính thức và cho lưu hành của Bộ Y tế thì được bác sĩ tin tưởng hơn.

Có một điều mà đa số bác sĩ dễ bị "dị ứng" và thường không cho toa thuốc để người bệnh mua, đó là thuốc nhái lại mẫu mã và tên một loại thuốc nào đó nổi tiếng về tác dụng và chất lượng ví dụ Cortibion được nhái lại là Cortibios, Cortebios. Đó là điều mà các nhà sản xuất thuốc trong nước cần lưu ý.

Cho đến nay, đã có một số thuốc bôi corticoid biến mất khỏi thị trường, vì lý do này hoặc lý do nọ trong nền kinh tế thị trường chắc chắn sẽ có thuốc nổi lên, tồn tại và có thuốc sẽ từ từ biến mất, chúng ta hãy chờ xem.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa