SHERLOCK HOLMES ĐỐI MẶT VỚI CHÂT ĐỘC
PHẠM CHÍ DŨNG
Trong lịch sử thế giới tội
phạm, loại phương tiện gây án bằng độc dược hoặc những thứ có yếu tố độc
chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Về phương diện này, nhà văn trinh thám Conan
Doyle thông qua nhân vật thám tử Sherlock Holmes đầy sức thuyết phục đã cho
ra đời tác phẩm - mà trong những năm cuối thế kỷ 19, khi các phương pháp
điều tra tội phạm còn tương đối đơn sơ - dự báo loại phương tiện gây án hoàn
toàn không mang tính chất trừu tượng, và hết sức nguy hiểm thâm độc. Đó là
độc dược và những gì mang bóng dáng của nó. Chúng ta hãy cùng Sherlock
Holmes điều tra một số cái chết bí ẩn dưới đây.
Luân Đôn vào khoảng những
năm 1890. Hầu như quanh năm, lớp sương mù ẩm ướt dày đặc phủ trùm lên thành
phố cổ như những móng vuốt kinh khủng của một con quái vật khổng lồ. Lẩn
trong khối sương mù không thấy rõ mặt người ấy, bọn tội phạm lặng lẽ phục
tìm con mồi của chúng. Trong một căn phòng đóng kín, một người đàn ông bị
đột tử. Nhưng những đường nét trên khuôn mặt ông ta lại nhăn nhúm với một nụ
cười mỉm khủng khiếp. Cảnh sát đành bó tay. Nhưng đối với Holmes, không một
hành động phạm tội nào lại không để lại dấu vết. Anh đã phát hiện các cơ bắp
của nạn nhân rắn chắc lạ lùng. Phải, đó là trạng thái co rút cùng cực, khi
nạn nhân bị tên sát thủ bắn phi tiêu có thấm chất độc. Chất độc đó là loại
thảo mộc alcaloit cực mạnh.
Năm 1887, một cái chết bí
ẩn khác tại một vùng nhỏ có tên là Somerset của nước Anh. Nạn nhân chết mà
không có một dấu vết gì. Cảnh sát chỉ kết luận một câu gọn lỏn "Ông cụ không
thể bị ám sát. Những thành tựu mới nhất của ngành Y khoa đã kết luận ông cụ
chết không rõ nguyên nhân". Tất nhiên, Sherlock Holmes hoàn toàn không hưởng
ứng cách kết luận đó. Bằng phương pháp loại trừ và xác định người sẽ được
thừa kế tài sản của nạn nhân, Holmes đã định hướng được thủ phạm. Nhưng hắn
giết ông già như thế nào trong khi hoàn toàn không có một vết tích gì trên
cơ thể ông? Phải dùng đến thủ pháp tâm lý, Holmes mới lột được chân tướng
hắn. Thật đơn giản nhưng cũng thật tinh vi, hắn đã vào phòng nạn nhân trong
lúc ông ngủ, và sử dụng chất thuốc mê clorofoc. Đến đây, Holmes đặt câu hỏi
với bác sĩ "Nếu tôi tẩm clorofoc ướt dẫm vào bông gòn rồi dí sát vào miệng
và hai lỗ mũi một ông già đang ngủ say trong vòng hai mươi phút thì chuyện
gì sẽ xảy ra?", bác sĩ đã trả lời "Người đó sẽ chết". Nhưng làm sao không để
lại những dấu vết? Ý bác sĩ cho rằng chất clorofoc vẫn còn trong máu nạn
nhân. Nhưng đến đây, Holmes đã tiếp tục diễn giải về cách tính toán rất khoa
học của hung thủ: clorofoc là chất dễ bay hơi, nó bay hơi ngoài không khí,
và biến mất rất nhanh vào trong máu. Và bởi tử thi được pháp y mổ quá chậm
(sau hai ngày), nên sẽ chẳng còn ai tìm ra sự tồn tại của clorofoc trong thi
thể nạn nhân nữa.
Sau vụ đầu độc đó mười
năm, vào mùa xuân năm 1897, Holmes lại tình cờ được chứng kiến một thảm cảnh
ở đảo Cornouailles: ba trong bốn anh em (một chết và hai điên) đều biểu lộ
trên mặt họ cùng một sự kinh hoàng vô cùng ghê rợn. Vẫn hoàn toàn không có
dấu vết nào để lại. Chỉ sau đó mấy ngày, người còn lại của 4 anh em trên
cũng chết - một cái chết lặp lại của cô em gái anh ta. Lần này, căn phòng
nạn nhân bốc mùi rất khó chịu. Mặt nạn nhân méo mó kinh hoàng, tay chân bị
cong queo và các ngón tay cong lên như ông ta đã trải qua một cơn khiếp đảm
cùng cực. Trong những cái chết đó, phải nói rằng có cái gì đó hết sức ma
quái, kinh dị. Holmes đã nhảy vào vụ này với một nỗi kinh ngạc lớn. Bằng tài
năng của mình, anh nhanh chóng kết luận được thủ phạm. Nhưng anh thật kinh
ngạc khi xác định được phương gây án. "Radix pedis diaboli" - đó là
một loại thuốc độc - có nghĩa là "rễ chân quỷ", được làm từ một loại rễ cây
mà các phù thủy vùng Tây phi thường sử dụng làm thuốc độc để trừng phạt.
Thế nhưng, chất độc còn
tồn tại ở một dạng khác, một dạng thái mà trên phương diện hình dung nó có
thể còn khủng khiếp hơn cả loại "rễ chân quỷ" ở trên. Đến đây, chúng ta quay
ngược thời gian trở lại với tháng tư năm 1883, với lâu đài Stoke Moran - nơi
chứng kiến một trong những dòng họ lâu đời nhất nước Anh. Trong lâu đài này,
hai chị em gái sống với người cha ghẻ. Hai năm trước, người chị gái đã chết
bất ngờ, quằn quại như một người đang đau đớn khủng khiếp, chân tay giật
giật và chỉ thốt lên được những tiếng cuối cùng "Nó là một cái băng! Một cái
băng... lốm đốm!". Người em gái không biết tại sao chị mình bị chết, nhưng
vào lúc cô ngồi đối diện với Holmes, cô đang có một cảm giác về một nỗi sợ
hãi mơ hồ nào đó, đeo đẳng theo cô từ thái độ ghẻ lạnh của người cha ghẻ, từ
việc ông ta tự nhiên nảy ra ý định sửa nhà (mặc dù chẳng có gì đáng sửa) và
chuyển cô sang phòng người chị quá cố. Trong căn phòng đó, nỗi ám ảnh dai
dẳng bám theo cô từng phút đồng hồ. Holems đã linh cảm ngay về một chuyện
kinh hoàng đã và có thể sẽ diễn ra. Chúng ta, những người theo dõi câu
chuyện bi thảm này, có lẽ cũng đang có những liên tưởng về mối quan hệ giữa
người cha ghẻ và kẻ sát nhân. Rất có thể, người cha ghẻ đã giết con gái
mình. Nhưng lại không có một dấu vết nào? Vậy thì giết bằng phương tiện gì?
Holmes đã là người đã giải
thích tất cả những chuyện khó khăn đó. Từ việc phân tích một sợi dây chuông
câm lặng thông từ phòng người cha ghẻ sang phòng cô gái, từ một đĩa sữa nhỏ
trong phòng người cha ghẻ, từ thói quen nuôi súc vật ăn thịt từ khi ông ta
từ Ần Độ trở về..., Holmes đã suy đoán ra đến một loại phương tiện giết
người khủng khiếp: con rắn độc. Với động cơ không muốn con gái mình lấy
chồng và do đó làm thâm thụt tài sản của mình, người cha ghẻ đã lập mưu. Về
đêm, khi nghe tiếng huýt sáo, con rắn sẽ từ phòng ông ta, êm ái tuồn theo
sợi dây chuông câm lặng để nhẹ nhàng buông mình xuống ngay trên mình cô
gái...
Những câu chuyện trên,
những âm mưu thâm độc trên rất có thể sẽ sống sót nếu như không có Sherlock
Holmes. Bởi anh đã tuyên chiến với thần chết.