HIỆU ỨNG PLACEBO
BS. ĐỖ HỒNG NGỌC
Lý thú trong "nghệ thuật"
dùng thuốc chữa bệnh là Placelo, giả dược, hay còn gọi là thuốc vờ.
Giả dược khác với thuốc giả, vì "thuốc giả" sẽ bị tóm ngay còn giả dược -
hay thuốc vờ - là thuốc giống y như thật nhưng không có tác dụng dược lý,
chỉ tạo ra hiệu ứng Placelo đôi khi rất thú vị. Placelo thường được
dùng trong nghiên cứu Y học, thử thuốc lâm sàng có đối chứng (controlled
studies) hoặc dùng để chữa một số triệu chứng đặc biệt, và cũng có khi dùng
để thỏa mãn đòi hỏi của người bệnh ham uống thuốc, chích thuốc, dù bác sĩ
thấy không cần thiết. Placelo có đủ loại, thuốc uống, thuốc thoa và thuốc
chích. Tên gọi Placelo đã có từ xưa. Trong kinh thánh của người Herbrew (Do
Thái cổ) đã thấy có với nghĩa là "Tôi sẽ thỏa lòng". Đến năm 1785, Placelo
đã có tên trong tự điển Y học với nghĩa là "thuốc gây niềm tin" (make -
believe medicine). Nó là một chất trơ, không gây dị ứng, hoàn toàn vô hại,
thế nhưng lại có tác dụng đặc biệt trên một số bệnh nhân, cả tốt lẫn xấu,
gọi chung là hiệu ứng Placelo. Dĩ nhiên, có nhiều trường hợp chẳng qua là sự
trùng hợp tình cờ. Thí dụ như khi sắp khỏi, hoặc trường hợp bệnh tự khỏi, mà
dùng Placelo có thể nghĩ là nhờ Placelo mà khỏi; ngược lại, bệnh sắp nặng,
uống Placelo dễ đổ thừa! Các nghiên cứu nghiêm túc cho thấy Placelo có hiệu
ứng với một số người nhạy cảm với nó. Những người này có một trạng thái tâm
lý khá đặc biệt, dễ tin, dễ cảm xúc và dễ bị thuyết phục hoặc tự kỷ ám thị.
Chuyện không lạ trong y học, thí dụ "Hội chứng áo choàng trắng" thấy ở một
số người được bác sĩ đo huyết áp, huyết áp thường tăng vọt. Chỉ cần nhìn
không khí bệnh viện, thấy bác sĩ với áo blouse trắng, người quá lo đã...
tiết ra nhiều adrénaline hơn người khác, chất này làm co mạch mạnh và huyết
áp tăng cao lên. Ở trẻ con có hội chứng "đau bụng sáng thứ hai" do sợ đi học
và một số thí sinh mắc tiểu hoài khi vào phòng thi là những ví dụ khác! Đây
là lãnh vực y khoa tâm - thể (Médecine psycho - somatique) ngày càng được để
ý nghiên cứu. Sau này người ta nghiên cứu sâu hơn, phân chia ra nhiều týp
hành vi, và người thuộc nhóm hành vi này có thể sẽ dễ mắc một số bệnh mà
nhóm khác không bị. Hai chị em cùng đi chơi lễ Thanh Minh mà Thúy Vân khác
hẳn với Thúy Kiều.
Trở lại hiệu ứng Placelo,
người ta thấy Placelo có thể chữa được các "bệnh" như lo âu, căng thẳng,
buồn bã, âu sầu, rối nhiễu tâm lý, các chứng đau, nhức đầu, ho, mất ngủ, say
sóng, cảm, đau bao tử, nôn ói, cao huyết áp... Người ta ngạc nhiên thấy
Placelo cũng gây "tác dụng phụ" (phản ứng thuốc) dù đó chỉ là thuốc vờ,
không phải thuốc thật: nôn ói, chóng mặt, buồn ngủ hoặc mất ngủ, uể oải,
trầm cảm, ảo giác, hồi hộp, tiêu chảy, nổi ban... Dĩ nhiên tất cả đều do một
sự "tự phản ứng" của cơ thể chớ không phải do thuốc. Sợ quá đến nỗi ruột
thắt lại, gây tiêu chảy; lo quá đến chóng mặt, trầm cảm, hồi hộp vẫn là
chuyện thường thấy. Nhiều người xem đá pénalty (phạt đền) cũng thấy hồi hộp,
tim thắt lại, có người phải che mặt để khỏi nhìn thấy... Người ta làm thí
nghiệm cứ mỗi lần chích điện một con thỏ thì rung một tiếng chuông, sau này
chỉ cần rung chuông thường xuyên cũng làm cho con thỏ loét bao tử!
Lạ lùng là có người nghiện
"Placelo" nữa, đến nỗi mỗi lần đi khám bác sĩ lại đòi cho được đúng thứ
thuốc đó! Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa thầy thuốc - bệnh nhân, người ta
thấy trong những trường hợp mối quan hệ này tốt đẹp, lời nói của bác sĩ đã
làm cho bệnh nhân tin tưởng, hy vọng, tạo cho bệnh nhân sự an tâm, hài lòng,
cảm thấy nhẹ nhõm thì hiệu ứng Placelo từ đó mà sinh ra. Giải thích cơ chế
tác dụng này, người ta cho rằng chính bệnh nhân đã có sự tự tin hơn ở năng
lực khỏi bệnh của mình, có động cơ tốt cho sự hồi phục, từ đó hợp tác tốt
với bác sĩ, theo đúng y lệnh, có hành vi sống lành mạnh hơn, nhờ đó khỏe ra.
Tóm lại, Placelo không chỉ là thuốc mà cả mối quan hệ, cách truyền thông
hiệu quả. Hiệu ứng Placelo cũng giúp cho các "lang băm" thành công trong một
số trường hợp.
Placelo còn đặc biệt quan
trọng trong nghiên cứu đối chứng tác dụng của thuốc trên lâm sàng (gọi là
thử thuốc). Chúng ta biết rằng để cho ra được một thứ thuốc mới, có hiệu quả
chữa bệnh, được phép lưu hành trên thị trường phải trải qua rất nhiều khâu
thử nghiệm và kiểm chứng, kể cả giai đoạn nghiên cứu trên súc vật, trên
nhiều thế hệ của súc vật để loại trừ tác hại về di truyền rồi mới thử
trên con người (người tình nguyện) sau đó mới đưa vào lâm sàng dùng cho bệnh
nhân. Ở giai đoạn này, để loại trừ hiệu ứng Placelo, người ta chia bệnh nhân
thành 2 lô, hoàn toàn giống nhau, có tiêu chuẩn chẩn đoán chính xác, có tiêu
chuẩn khỏi bệnh đầy đủ, được chọn một cách ngẫu nhiên dựa trên thống kê, sau
đó cho một lô uống thuốc cần thử, còn lô kia uống Placelo. Để cho bảo đảm,
thuốc thử và thuốc vờ giống nhau đến nỗi cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều không
biết (mù đôi: double - blind), có như vậy mới loại trừ hiệu ứng Placelo do
mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân như đã nói trên. Sau đó, theo dõi diễn tiến
của bệnh và so sánh kết quả bằng phương pháp thống kê y học để biết chắc có
sự khác biệt có ý nghĩa giữa 2 lô hay không. Nếu có sự khác biệt thật sự,
hiệu quả rõ ràng, thuốc mới được cho sản xuất, đưa ra thị trường.
Dĩ nhiên, trong quá trình
nghiên cứu cũng đảm bảo sao cho không gây nguy hiểm cho bệnh nhân - do sự
chậm trễ điều trị chẳng hạn - và những người tình nguyện thử thuốc phải được
thông báo rõ ràng. Những quy định về y đức phải rất chặt chẽ.