TƯƠNG TÁC THUỐC Ở ĐÔNG NAM Á

TS-DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Trường ĐH Y Dược TPHCM

Tương tác thuốc là sự tác động qua lại giữa hai hay nhiều thuốc khi dùng phối hợp chung, theo nhiều cơ chế khác nhau có thể gây ra tác dụng có lợi hoặc bất lợi đối với cơ thể người bệnh. Người ta thường quan tâm nhiều đến tương tác thuốc bất lợi. Nói một cách nôm na, khi hai thuốc dùng đồng thời cùng một lúc thuốc này có thể ảnh hưởng tới thuốc kia, hoặc làm thuốc kia mất hết tác dụng hoặc làm thuốc kia tăng độc tính đến độ nguy hiểm. Trong nhiều năm và hiện nay, tương tác thuốc được xem là một trong những nguyên nhân gây ra thất bại trong điều trị và gây ra những tai biến do thuốc rất trầm trọng. Đây là vấn đề lớn trong sử dụng thuốc không chỉ giới chuyên môn, các nhà điều trị, các dược sĩ quan tâm mà chính người sử dụng thuốc cũng cần có sự hiểu biết nhất định để tránh cái gọi là "kî thuốc".

Giáo sư Budiono Santoso, giám đốc Trung tâm phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới Nghiên cứu và Huấn luyện sử dụng thuốc hợp lý đặt tại trường Đại học Gadjah Mada, Indonesia, đã có một bài viết tổng quan về tương tác thuốc ở Đông Nam Á. Nước ta nằm trong khu vực cho nên những điều tác giả đề cập được ghi nhận là tương tự khá phù hợp với những gì đang xảy ra tại nước ta.

Theo GS. Santoso, có 2 nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vấn đề tương tác thuốc tại các nước Đông Nam Á. Thứ nhất là số lượng dược phẩm với hoạt tính mạnh được đổ vào các nước này ngày càng nhiều, đặc biệt trong vòng 10 năm gần đây. Trong khi, các nhà điều trị, dược sĩ phân phối thuốc không kịp thời nắm vững các thông tin về thuốc, có quá ít kinh nghiệm về các thuốc mới nhập vào quá nhanh, quá nhiều. Thứ hai, sử dụng nhiều thuốc tràn lan (polypharmacy) đang rất phổ biến. Chính nguyên nhân thứ hai này, sử dụng thuốc quá nhiều đến độ bất hợp lý không chỉ liên quan đến giới chuyên môn y dược mà còn do chính người sử dụng thuốc làm cho vấn đề tương tác thuốc trở nên nghiêm trọng. Ở các nước Đông Nam Á, theo SG. Santoso, có 3 kiểu sử dụng thuốc cùng lúc như sau:

1. Nhiều bác sĩ điều trị cho nhiều thuốc cùng một lúc

Ở Indonesia, có lẽ ở các nước khác trong khu vực cũng thế, có hiện tượng "đổi thầy đổi thuốc lung tung". Người bệnh hiện nay rất dễ lựa chọn cơ sở, bác sĩ điều trị. Đi khám bác sĩ này, được chẩn đoán và sử dụng thuốc vài ngày thấy không đỡ (trong thực tế nhiều khi phải sử dụng thuốc trong thời gian khá dài mới thấy dấu hiệu cải thiện bệnh) lại đi khám bác sĩ khác. Bác sĩ trong lần khám mới cho thuốc mới và người bệnh lại uống kèm với thuốc được cho trước đây và tương tác thuốc bất lợi thế là xảy ra. Không hiếm người bệnh lại đổi thầy đổi thuốc lần nữa.

2. Một bác sĩ điều trị cho nhiều thuốc cùng một lúc

Trong cuộc điều tra các cơ sở y tế ở Indonesia, trung bình một bệnh nhân khám ngoại trú được cho 4 loại thuốc trong một toa, nhiều nhất là 8 loại thuốc. Ở các phòng mạch tư, số thuốc được ghi toa cho một bệnh nhân mỗi lần khám thường nhiều hơn, có khi đến 11-12... loại thuốc. Tình trạng cho toa nhiều thuốc cũng được ghi nhận tương tự ở Myanmar, Malaysia. Nếu việc ghi toa nhiều thuốc thực sự cần thiết, là sự phối hợp thuốc theo hướng có lợi thì đó là việc đáng hoan nghênh. Nhưng khá nhiều trường hợp có khuynh hướng ngược lại. Một số nhà điều trị đã chỉ định thuốc theo áp lực của thị hiếu người bệnh, của các công ty dược phẩm "giỏi" tiếp thị, đưa đến kiểu cho thuốc "bao vây", "đánh mạnh" một cách không cần thiết, việc cho nhiều thuốc có khi là nhầm lẫn, như chỉ định nhiều biệt dược chỉ chứa cùng một hoạt chất (đã ghi Voltaréne lại ghi thêm Diclofenac hoặc biệt dược khác có chứa hoạt chất này). Điều đáng nói là việc chỉ định nhiều thuốc cùng một lúc đã đưa đến tương tác thuốc bất lợi. Như chỉ định uống thuốc chống viêm không steroid (NSAID) với thuốc kháng acid như (MAALOX) kèm theo, theo một số nhà điều trị, phối hợp thuốc kháng acid như thế nhằm hạn chế tác dụng phụ gây tổn hại niêm mạc dạ dày - tá tràng của NSAID nhưng lại không dặn người bệnh uống cách xa ra, người bệnh uống cùng lúc thế là thuốc kháng acid cản trở sự hấp thu NSAID đưa đến thuốc sau chẳng còn tác dụng nữa.

3. Sử dụng thuốc là chế phẩm phối hợp nhiều hoạt chất

Ở các nước Đông Nam Á hiện nay lưu hành khá nhiều các chế phẩm phối hợp saün nhiều hoạt chất như: thuốc trị cảm - sổ mũi, thuốc trị ho, thuốc trị hen suyễn, thuốc trị tiêu chảy, thuốc kháng acid trị chứng khó tiêu - đầy bụng... Đặc biệt, loại thuốc Multivitamin chứa nhiều vitamin và chất khoáng vi lượng được nhập ồ ạt và được giới thiệu quảng cáo đến độ sự sử dụng chỉ có tính chất thời thượng thay vì vì lợi ích điều trị thực sự. Không chỉ người sử dụng thuốc không biết trong thành phần các chế phẩm phối hợp chứa những gì mà ngay cả thầy thuốc điều trị có người không xem kỹ công thức của chế phẩm. Vì thế, không sao tránh khỏi các tương tác thuốc đáng tiếc xảy ra. Thí dụ như các thuốc: Tetracyclin, Ciprofloxacin, Rifampicin, Levodopa, Methyldopa, Carbidopa... giảm sự hấp thu đưa đến giảm tác dụng một cách thảm hại do được chỉ định uống chung với chế phẩm chứa Multivitamin và nguyên tố sắt cùng các chất khoáng khác.

Do bài viết nhắm đến đối tượng là các nhà chuyên môn, đặc biệt các nhà điều trị, nên GS. Santoso đã không đề cập đến một kiểu tương tác thuốc rất thường xảy ra ở nước ta và có lẽ cũng thường xảy ra ở các nước khác trong khu vực, đó là tương tác thuốc do người bệnh tự ý sử dụng thuốc. Do việc mua thuốc ở nhà thuốc khá dễ dàng, đặc biệt các loại thuốc kháng sinh và Corticoid có thể mua không cần toa ở các nước Đông Nam Á (các nước tiên tiến bắt buộc phải có toa), cho nên rất thường xảy ra người bệnh tự chẩn đoán bệnh, nghe theo lời mách bảo, tự ý mua thuốc về sử dụng. Hoặc người bệnh đang theo chế độ điều trị khi bị rối loạn đã tự ý dùng thêm thuốc (như bị khó tiêu, đầy bụng dùng thêm thuốc kháng acid, bị táo bón dùng thêm thuốc nhuận trường) hoặc tự ý dùng thêm thuốc bổ (loại Multivitamin và chất khoáng). Kèm theo thuốc đang điều trị mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Vì vậy, đã xảy ra tương đối phổ biến các tương tác thuốc rất bất lợi. Như uống thuốc kháng acid, thuốc trị táo bón cùng với các thuốc đang điều trị thì làm sao các thuốc này được hấp thu tốt để cho tác dụng tốt. Hoặc chỉ cần uống thuốc bổ chứa Vitamin B6 chung với thuốc Levodopa thì xem như Levodopa mất tác dụng.

Phải làm gì để hạn chế tương tác thuốc bất lợi xảy ra? GS. Santoso đề nghị như sau:

? Bác sĩ điều trị nên cân nhắc kỹ khi ghi toa nhiều thuốc, phải cập nhật kịp thời các thông tin về thuốc mới, đặc biệt phần tương tác thuốc.

? Bác sĩ điều trị trước khi ghi toa chỉ định thuốc phải hỏi kỹ người bệnh: đã đi đến một bác sĩ khám bệnh trước đây, đã tự ý sử dụng thuốc gì gần đây để chữa bệnh hoặc để bồi dưỡng, đặc biệt, có đang sử dụng thuốc ngừa thai?

? Bác sĩ điều trị phải luôn nghĩ đến tương tác thuốc khi chỉ định các thuốc có khoảng cách an toàn hẹp (như Theophyllin, thuốc chống động kinh, thuốc hạ đường huyết loại uống...) hoặc khi người bệnh là các đối tượng có nguy cơ về tương tác thuốc: người cao tuổi, trẻ con.

Tuy GS. Santoso không đề cập đến nhưng thiết nghĩ những đề nghị trên đây cũng cần được áp dụng cho các dược sĩ đảm nhận việc phân phối và hướng dẫn sử dụng thuốc.

Riêng đối với người sử dụng thuốc, xin có đề nghị: Chỉ nên dùng đúng các thứ thuốc do bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng thêm thuốc khác, nếu có ý sử dụng thêm thuốc nào đó nhất thiết phải hỏi ý kiến bác sĩ, nếu đang dùng một thứ thuốc nào đó mà lại phải đến bác sĩ khám và được chỉ định thuốc mới, hoặc đến nhà thuốc mua thuốc thì phải báo cho bác sĩ, dược sĩ biết những thuốc đang dùng.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa