MỸ PHẨM VÀ KIỂM TRA CHÂT LƯỢNG MỸ PHẨM

DS. TRẨN KIM THOAN

            Mỹ phẩm là tên gọi chung cho các sản phẩm dùng để chăm sóc, bảo vệ, làm đẹp cho da và các bộ phận bên ngoài của cơ thể như móng tay, móng chân, tóc, da mặt, mắt, môi.

            Mỹ phẩm chăm sóc "tâm hồn" cho con người; đặc biệt đối với phụ nữ mỹ phẩm làm tăng thêm vẻ đẹp, tăng thêm sự tự tin trong cuộc sống. Góp phần làm đẹp cho con người và cho cả xã hội, mỹ phẩm làm sống động thêm cuộc sống. Ở khía cạnh văn hóa, mỹ phẩm phản ánh trình độ văn hóa, nhận thức thẩm mỹ và tính cách của người sử dụng; sâu xa hơn là bản sắc của một nền văn hóa. Việc sử dụng mỹ phẩm đã trở thành một nghệ thuật góp phần không nhỏ vào nghệ thuật trang điểm, nghệ thuật làm đẹp cho con người.

Cuộc sống càng hiện đại, nhu cầu về mặt tinh thần càng cao thì nhu cầu mỹ phẩm càng gia tăng. Ở các nước phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm phát triển khá mạnh, trở thành một ngành siêu lợi nhuận. Từ ngày mở cửa, kinh tế phát triển, nước ta trở thành một thị trường to lớn, đầy tiềm năng của các hãng mỹ phẩm nước ngoài cũng như các công ty trong nước. Thời lượng quảng cáo các loại mỹ phẩm trên Đài truyền hình Việt Nam cũng như trên Đài Truyền hình các Tỉnh chiếm tỷ lệ khá lớn so với các chương trình quảng cáo khác. Điều này cho thấy sức mạnh thu hút của loại hàng hóa đặc biệt này.

Tuy nhiên, phụ nữ nước ta, đặc biệt là chị em phụ nữ ở các thành phố, thị xã có địa vị xã hội, có thu nhập ổn định; đã và đang lạm dụng mỹ phẩm. Việc sử dụng mỹ phẩm đòi hỏi một sự thận trọng và một sự hiểu biết khá kỹ càng. Về mặt khoa học, mỹ phẩm là hỗn hợp của nhiều hợp chất hóa học có nguồn gốc thiên nhiên hoặc tổng hợp; sử dụng mỹ phẩm là sử dụng hóa chất nên không thể xem thường. Tương tự như dược phẩm, chất lượng mỹ phẩm ảnh hưởng khá lớn đến sức khoẻ con người. Đã có trường hợp con người trở thành nạn nhân của mỹ phẩm do chất lượng sản phẩm không bảo đảm an toàn. Vì tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, đặc biệt với da là cơ quan nhạy cảm nhất với các thay đổi của môi trường, mỹ phẩm kém chất lượng có thể gây ra rất nhiều tai biến. Thực tế thường gặp các loại: kích ứng da dẫn đến viêm da tiếp xúc; sạm da do da tăng nhạy cảm với ánh sáng; bỏng, gây lở loét (đặc biệt với các loại thuốc uốn tóc, nhuộm tóc); ngộ độc chì, có thể dẫn đến mù mắt, chết người (xảy ra ở Mỹ năm 1993 do thuốc nhuộm lông mi). Những năm gần đây, số trường hợp tai biến do dùng mỹ phẩm ngày càng tăng. Tại khoa Dị ứng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) năm 1995 có 22 trường hợp (18 trường hợp do dùng các loại kem bôi mặt) với bệnh cảnh lâm sàng là viêm da tiếp xúc và thường rất nặng. Năm 1996 có 34 trường hợp (17 trường hợp do dùng phấn trang điểm) bệnh cảnh chủ yếu là viêm da tiếp xúc, có 4 trường hợp viêm da tiếp xúc chàm hoá. Năm 1997 có 54 trường hợp (28 trường hợp do các loại kem) với bệnh cảnh phức tạp hơn: viêm da tiếp xúc, viêm da tiếp xúc chàm hoá, viêm da tiếp xúc mi mắt, sẩn ngứa dị ứng.

            Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra chất lượng mỹ phẩm? Những năm trước, việc quản lý nầy do Tổng Cục Tiêu Chuẩn Đo Lường chất lượng (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) đảm trách. Từ năm 1997, Chính phủ giao chức năng nầy cho Bộ Y Tế. Cơ quan quản lý cấp Trung ương là Cục Quản lý Dược, ở địa phương là Sở y tế tỉnh, thàng phố (Phòng quản lý Dược). Việc kiểm tra, đánh giá và giám sát chất lượng do hệ thống kiểm nghiệm dược - Mỹ phẩm đảm nhận, bao gồm Viện Kiểm Nghiệm, Phân Viện Kiểm Kiệm TP. HCM và các Trung Tâm Kiểm Nghiệm Dược Phẩm - Mỹ Phẩm cấp tỉnh, thành phố. Ngày 19/12/1998, Bộ y tế đã ra quết định số 3629/1998-QĐ-BYT ban hành danh mục các loại mỹ phẩm bắt buộc phải đăng ký chất lượng tại Bộ Y tế. Trước đó, ngày 28/02/1997 Bộ cũng đã ra quyết định số 322/BYT-QĐ ban hành "quy chế thông tin, quảng cáo thuốc và mỹ phẩm dùng cho người". Tuy nhiên vẫn chưa có một văn bản pháp lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương về vấn đề quản lý chất lượng mỹ phẩm sau khi đã được cấp số đăng ký. Hiện tại, Viện Kiểm Nghiệm và Phân Viện Kiểm Nghiệm TPHCM chỉ phân tích đánh giá chất lượng các mẫu gửi đến phục vụ cho việc đăng ký lưu hành tại Bộ y tế. Ở tuyến tỉnh, các Sở y tế vẫn chưa có cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng để quản lý mạng lưới sản xuất kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Các Trung tâm Kiểm Nghiệm vẫn chưa thể đi lấy mẫu, hơn nữa trang thiết bị còn thiếu thốn, chưa được tập huấn kỹ thuật đầy đủ, do vậy việc kiểm tra, giám sát chất lượng mỹ phẩm còn bỏ ngỏ hoàn toàn. Đây chính là một điều bất cập, đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp thích hợp, nhanh chóng nhằm bảo đảm sự an toàn cho người sử dụng mỹ phẩm.


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa