HUYẾT THANH KHÁNG NỌC NIỀM HY VỌNG MỚI CHO NHỮNG BỆNH NHÂN BỊ RẮN CẮN

NGUYỄN HƯNG ( Thực hiện)

Vừa qua, trong 2 ngày 18 -19/4/2000 tại Bệnh Viện Chợ Rẫy đã có cuộc hội thảo: "Cấp cứu và điều trị bệnh nhân bị rắn cắn". Cuộc hội thảo quy tụ nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ trong và ngoài nước đến dự và đọc báo cáo. Nổi bật, trong hội thảo đã có nhiều báo cáo khoa học về quá trình nghiên cứu, kết quả nghiên cứu điều trị bệnh nhân bị rắn hổ đất và rắn chàm quạp cắn bằng huyết thanh kháng nọc đặc hiệu. Sau hội thảo, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với Tiến Sĩ - Bác Sĩ Trịnh Xuân Kiếm (Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh) xung quanh vấn đề khoa học này.

PV: Thưa tiến sĩ, Báo được biết ông là tác giả chính (hiện nay) tìm ra huyết thanh kháng nọc (HTKN), vậy HTKN là gì ?

BS. Trịnh Xuân Kiếm: HTKN là globulin miễn dịch, mảnh F(ab?)2 của phân tử IG, đã loại bỏ tạp chất bằng men liệu Protein, tinh chế từ huyết thanh hoặc huyết tương ngựa, hoặc cừu, đã được miễn dịch bằng nọc của một hoặc nhiều chủng loại rắn.

PV: Còn HTKN "đặc hiệu" có ngụ ý gì ?

BS. Trịnh Xuân Kiếm: Từ HTKN "đặc hiệu" có ngụ ý rằng HTKN được tạo ra để chống lại nọc độc của con rắn đã cắn bệnh nhân, trong đó HTKN đó có chứa kháng thể đặc hiệu sẽ chỉ trung hòa loại nọc rắn đó mà thôi. Có loại HTKN đơn đặc hiệu chỉ trung hòa một loại nọc rắn tương ứng. Có loại HTKN đa giá có thể trung hòa được nọc một vài loại rắn khác nhau, thường là một vài loài nọc rắn quan trọng nhất về y tế của một vùng địa lý riêng biệt.

PV: Thưa TS. BS, rắn có rất nhiều loài khác nhau nhưng tại sao ông và cộng sự lại tập trung chủ yếu chỉ có 2 là hổ đất và chàm quạp để tìm ra HTKN hai loại rắn đó ?

BS. Trịnh Xuân Kiếm: Qua hơn 10 năm nghiên cứu điều chế HTKN chúng tôi tập trung vào hổ đất và chàm quạp bởi vì đây là hai loại rắn gây ra tai nạn nhiều nhất cho bệnh nhân (theo dõi bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy) có HTKN hai loại rắn này giải quyết được phần lớn bệnh nhân bị rắn cắn.

PV: Có phải lúc nào cũng dùng HTKN cho bệnh nhân?

BS. Trịnh Xuân Kiếm: Điều trị HTKN được khuyến cáo ở bệnh nhân có chứng cớ hoặc hướng tới rắn cắn khi xuất hiện một trong nhiều dấu hiệu. Nhiễm độc toàn thân và nhiễm độc tại chỗ.

Nhiễm độc toàn thân: Bất thường về cầm máu: chảy máu hệ thống, tự phát, rối loạn đông máu hoặc giảm tiểu cầu, dấu hiệu thần kinh, sụp mi, liệt cơ vận nhãn ngoài, liệt toàn thể.; bất thường về tim mạch: tăng huyết áp, sốc, loạn nhịp tim; suy thận cấp v.v.

Nhiễm độc tại chỗ: Sưng nề 1/2 chi bị cắn (không phải do garrot), sưng nề tới ngón chân, đặc biệt tới ngón tay; sưng nề lan rộng nhanh; xuất hiện sưng nề, đau hạch limpho dọc chi bị cắn.

Đó là chỉ định để dùng HTKN cho bệnh nhân bị rắn cắn. Ngoài ra nhân viên y tế sẽ có các điều trị, phối hợp hỗ trợ cho bệnh nhân (có thể lọc máu, điều trị phản ứng sốt, sốc phản vệ...).

PV: Thực tế hiệu quả điều trị rắn cắn bằng HTKN như thế nào?

BS. Trịnh Xuân Kiếm: Trước kia tỷ lệ bệnh nhân bị rắn cắn dẫn đến tử vong là 19,5% khi có HTKN tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 3,1%. Có trường hợp bệnh nhân đã chết não vẫn được cứu sống. Điều đáng lưu ý là hàng năm ở nước ta có khoảng 30.000 người bị rắn cắn, điều đó cho thấy HTKN rất có ý nghĩa.

PV: Điều quan trọng nữa là việc sơ cứu cho bệnh nhân bị rắn cắn. Trong hội thảo có khuyến cáo là không nên garrot cho bệnh nhân?

BS. Trịnh Xuân Kiếm: Quan trọng hơn nữa là đừng để rắn cắn, khi đi lao động, hoặc trong hoàn cảnh nào đó cũng chú ý đề phòng tai nạn này. Việc sơ cứu là quan trọng, cần thực hiện ngay sau khi bị rắn cắn càng nhanh càng tốt. (có thể tự làm hoặc một người nào đó gần nhất). Mục đích của sơ cứu là: làm chậm quá trình hấp thu nọc vào cơ thể; bảo tồn tính mạng và ngăn ngừa biến chứng trước khi bệnh nhân được chăm sóc ở cơ sở y tế; kiểm tra hiểm họa triệu chứng sớm của nhiễm độc; vận chuyển nhanh bệnh nhân tới nơi được chăm sóc y tế.

Các phương pháp sơ cứu: trấn an nạn nhân; bất động chi bị cắn bằng thanh nẹp gỗ, tre. hoặc treo lên (bất kỳ sự di chuyển hoặc co cơ đều làm tăng sự hấp thụ nọc vào dòng máu); bất động bằng băng đủ ép chặt (áp dụng cho vài loại rắn) không dùng trong trường hợp rắn lục và rắn hổ); tránh nọc can thiệp vào vết cắn vì việc này có thể gây nên nhiễm trùng tăng sự hấp thu nọc và chảy máu tại chỗ.

Các phương pháp sơ cứu dân gian như rạch da tại chỗ, chọc, châm chích tại chỗ vết cắn hoặc chi bị cắn, nặn bóp vết cắn để hy vọng lấy nọc ra khỏi cơ thể thực ra không có tác dụng, trái lại có khi gây nguy hiểm. Dân gian dùng dây để chặn dòng máu (garrot động mạch, buộc chặt phía trên phần chi bị cắn), chặt đến nỗi mạch ngoại vi phía dưới bị tắc nghẽn. Phương pháp này cực kỳ đau và rất nguy hiểm nếu để dây buộc chặt quá lâu (trên 40 phút) phần chi này sẽ bị tổn thương do thiếu máu cục bộ. Nói tóm lại dân địa phương có thể dùng cách trị liệu dân gian nhưng không được làm chậm việc điều trị y tế.

PV: Xin cảm ơn TS. BS !


Thuốc

Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc


Danh mục thuốc theo tên hóa học
Khái niệm thuốc
Kiến thức Dược
Thuốc kháng sinh
Thuốc men và cách dùng thuốc
Thuốc ngừa thai và hệ sinh dục
Thận trọng và cách dùng thuốc
Tra cứu dược phẩm
Trang chủ thuốc, dược phẩm, thực phẩm, dinh dưỡng
Vaccine và chủng ngừa