Khám bệnh tổng quát

Ngày nay khi đời sống được nâng cao, ngày càng có nhiều người muốn khám tổng quát khi còn khỏe mạnh.

Vậy khi khám tổng quát, bác sĩ sẽ cho bạn khám gì? Bạn cần yêu cầu gì để tránh bỏ sót điều mình quan tâm.

1. Gói khám tổng quát cho người nam trẻ:

  • Chẩn đoán hình ảnh:
    • X quang phổi: để tìm các bệnh ở phổi như lao, viêm phổi, ung thư, di căn phổi, bóng tim to, xương sườn, nhão cơ hoành...
    • X quang xoang: gồm 2 phim Blondeau và Hirst để tìm tình trạng viêm xoang cấp hay mạn tính.
  • Siêu âm:
    • Siêu âm bụng tổng quát: để xem hình ảnh của gan mật, thận, lách, bàng quang, tử cung, buồng trứng ở nữ, tuyết tiền liệt ở nam.
    • Siêu âm vùng cổ, tuyến giáp: xem tình trạng tuyến giáp có phình giáp, cường giáp, nhân giáp..., Kiểm tra hạch vùng cổ, thượng đòn... xem có di căn, viêm nhiễm không.
  • Xét nghiệm tổng quát:
    • Công thức máu: khảo sát tình trạng viêm nhiễm, thiếu máu, tăng giảm tiểu cầu...
    • Tổng phân tích nước tiểu: khảo sát nhiều loại bệnh: nhiễm trùng tiểu, các tinh thể cặn, đường...
  • Xét nghiệm chức năng gan:
    • GGT
    • SGOT
    • SGPT
  • Xét nghiệm chức năng thận:
    • Creatinin
    • Độ lọc cầu thận.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
    • FT4
    • TSH
  • Chức năng chuyển hóa đường
    • Đường huyết lúc đói hoặc ngẫu nhiên.
    • HbA1c
    • Tổng phân tíc nước tiểu.
  • Chức năng chuyển hóa đạm
    • Acid uric
  • Chức năng chuyển hóa mỡ
    • Triglyceride, Cholesterol, HDL, LDL
  • Các viêm nhiễm ở gan:
    • HBsAg: xem có nhiễm siêu vi gan B chưa
    • Anti HBsAg xem có miễn dịch chưa.
    • HBeAg: xem nếu có nhiễm HBV rồi thì nó có hoạt động không.
    • Anti HCV xem có nhiễm siêu vi C gan không.

    Gói khám này từ 1,2 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng.

2. Gói khám tổng quát cho người nữ trẻ

  • Ngoài các cận lâm sàng kế trên thì có thêm siêu âm vúkhám phụ khoa.
  • Siêu âm vú dễ chịu hơn chụp nhũ ảnh.
  • Chụp nhũ ảnh: phòng kỹ thuật sẽ ép vú lại và chụp x quang. Sẽ gây đau cho bệnh nhân, do đó ngày nay ít xài.
  • Khám phụ khoa, bác sĩ sẽ cho phết tế bào âm đạo, làm xét nghiệm tìm ung thư cổ tử cung.

Chụp nhũ ảnh (Mammography), tầm soát ung thư vú

    Gói khám này từ 1,2 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

3. Gói khám tổng quát cho người cao niên trên 55 tuổi

Ngoài các chỉ định kế trên thì người cao tuổi có thể được khảo sát kỹ về tim và mạch máu

  • Tầm soát các bệnh về tim mạch:
    • Siêu âm tim
    • Siêu âm mạch máu cổ (mạch cảnh).
    • Xét nghiệm thêm các men tim Troponin I, Troponin T, BNP... Các men tim này giúp phát hiện và tiên lượng trình trạng nhồi máu cơ tim. Phối hợp với điện tâm đồ sẽ phán đoán tình hình có nên can thiệp mạch vành không.
  • Nếu có tiền nên chụp CT toàn thân để tìm những khối u mới xuất hiện hoặc những dị dạng bất thường mới xuất hiện.
  • Nếu nghi ngờ có bệnh làm hẹp, nghẽn mạch vành thì chụp  CT mạch vành (ACT).
  • Siêu âm bụng có thể phát hiện các phình bóc tách động mạch chủ bụng.

Gói khám này từ 2,0 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng.

4. Tầm soát ung thư:

Các gói khám bên trên là khám tổng quát trong đó đã bao gồm tầm soát ung thư.

  • Phim phổi giúp tìm ung thư phổi, u ở thành ngực.
  • Siêu âm bụng giúp tìm u trong ổ bụng.
  • Siêu âm cổ giúp tìm ung thư trong tuyến giáp.
  • Siêu âm vú giúp tìm ung thư ở vú.
  • Khám phụ khoa giúp tìm ung thư cổ tử cung, u ở thành âm đạo.

5. Có cần làm xét nghiệm Tumor marker (dấu ấn ung thư) khi khám tổng quát không?

  • Nếu làm những khám nghiệm trên mà phát hiện có u ở đâu đó thì bác sĩ sẽ lập tức cho chụp CT hay MRI nơi có khối u đồng thời làm xét nghiệm Tumor marker để xác định. Ví dụ nếu có u gan thì sẽ cho CT bụng hay MRI bụng và xét nghiệm AFP. AFP là một chỉ số tăng cao khi có ung thư gan. Tuy nhiên nếu chỉ có AFP tăng thì có thể không phải do gan mà bệnh khác.
  • Hay nếu thấy có u ở tiền liệt tuyến thì cho thêm PSA, thấy u ở đại tràng thì cho thêm C.E.A, CA 19.9...
  • Tuy nhiên, các xét nghiệm này có khi tăng... vô cớ, không liên quan đến ung thư. Do đó, khi làm xét nghiệm "tầm soát ung thư" bằng các xét nghiệm dấu ấn ung thư thì sẽ gây hoang mang, mất ăn mất ngủ, tốn tiền chụp CT, MRI truy nã khối u bị nghi ngờ ẩn nấp đâu đó.
  • Nếu siêu âm cổ, vú mà thấy khối u hay cục nhân thì bác sĩ sẽ cho chọc hút tìm tế bào ác tính, gọi là FNAC.

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ

Một số kết quả làm hoảng sợ:

  • Nhân giáp: siêu âm cổ thấy có nhân giáp. Khi chọc hút làm tế bào học thì bác sĩ sẽ đánh giá bằng độ TYRAD. Độ TYRAD cao cỡ 3 và 4 thì được đề nghị đi mổ trừ hậu họa mặc dù đó chưa phải là ung thư.
  • Hemagiom gan: đó là u mạch máu ở gan, hoàn toàn lành tính. Chẳng can thiệp gì cho ung loại này vì bản chất của nó không phải là u mà là một búi mạch máu.
  • Nang buồng trứng: Nang có thể là nang chức năng, tức là phải có nó thì mới có trứng rụng. Nang cũng có thể là nang bất thường, nhưng ít khi gây hại và không phải là ung thư.

Bạn sẽ được chỉ định thêm một số thủ thuật xét nghiệm nếu bạn khai rõ triệu chứng bệnh:

  • Mau mệt, tim đập nhanh khi làm nặng: cho làm ECG gắng sức. Bạn sẽ được cho "đạp xe đạp" để bác sĩ khảo sát thay đổi điện tim.
  • Đau thượng vị vùng dưới xương ức, ợ nước chua, ợ nóng, khó tiêu, đi cầu ra phân đen... kéo dài: BS sẽ cho nội soi dạ dày, tá trang xem có viêm, loét hay ung thư dạ dày không. Ngoài ra, dùng có nội soi hay không thì cũng làm xét nghiệm tìm vi trùng Helicobacter pylori. Tìm bằng nhiều cách, xem phần sau.
  • Đau bụng, đi tiêu lộn xộn, mắc rặn, mắc đi cầu, đi cầu như còn sót phân, đi cầu ra máu... Nghi ngờ các bệnh ở đại tràng, bác sĩ sẽ cho nội soi đại tràng. Có thể nội soi toàn bộ đại tràng hoặc chỉ nội soi trực tràng.
  • Khó thở, khò khè, đàn ông hút thuốc nhiều: cho đi đo chức năng hô hấp xem có bị nghẽn tắc đường thở do hen suyên hay COPD không.
  • Đau vùng cổ vai một bên, đau lưng thấp, đau giật xuống chân 1 bên lưng: nghi ngờ bệnh ở đĩa đệm, cho chụp X quang cột sống cổ thằng, nghiê, 3/4, chụp X quang cột sống lưng. Hầu hết sẽ thấy có thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. Một số bệnh lý khác ít gặp như: viêm cột sống dính khớp, xẹp đốt sống do loãng xương, té ngồi.
  • Đau khớp gối, khớp vai: chụp x quang và siêu âm mô mềm khớp gối, vai.
  • Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ: do nhiều nguyên nhân, sẽ chuyển chuyên khoa thần kinh.

Khi nào cần các cận lâm sàng cao cấp như CT, MRI?

  • Khi kiểm tra tổng quát như trên và phát hiện có u, cục bất thường.
  • BS có thể cho chụp CT hoặc MRI khu vực nghi bệnh hoặc chụp toàn thân để tìm di căn xa.Máy chụp mạch máu toàn thân

Tùy theo tình trạng sức khỏe, tình trạng tài chính, bác sĩ sẽ cho chỉ định vừa phải vào lúc ban đầu. Chỉ khi phát hiện ra các vấn đề bất thường thì bác sĩ sẽ cho xét nghiệm, CT, MRI phù hợp. Hiện nay có nhiều loại CT, nhiều loại MRI chuyên biệt cho một số bệnh, sẽ bàn trong các bài sau.

Không nên đến yêu cầu bác sĩ "Cho tôi MRI toàn thân để coi có bệnh gì". MRI không thể nói cho bạn biết hết mọi chuyện, không thể thay cho xét nghiệm, không thể thay cho nội soi. Do đó bạn cần kể đủ triệu chứng và nghe theo chỉ định của bác sĩ.

BS PHAN XUÂN TRUNG

(Phòng khám tổng quát số 5 - Medic Hòa Hảo - chỉ khám buổi chiều từ 14:00 đến 18:00)