Bệnh viện vệ tinh - phòng khám vệ tinh

"Bệnh viện vệ tinh" là thuật ngữ xuất hiện thời chị Kim Tiến là Bộ trưởng Bộ Y tế.

Khi đó các bệnh viện trung ương bị quá tải, cần phải xây dựng thêm các bệnh viện khác ở ngoại ô hoặc ở tỉnh khác để gánh bớt bệnh nhân. Tuy nhiên nếu là bệnh viện mới toanh và một cái tên lạ hoắc thì sẽ không hấp dẫn người bệnh, do vậy, người ta bèn nghĩ cách nhượng quyền thương hiệu tên bệnh viện lớn như Bạch Mai cho các bệnh viện mới đó và gọi các bệnh viện đó là bệnh viện vệ tinh. Người dân tin rằng đó là bệnh viện Bạch Mai mở rộng.

Ở trong Nam không có bệnh viện vệ tinh, nhưng có rất nhiều phòng khám... vệ tinh.

Loại phòng khám có tên MEDIC:

Trung tâm Y khoa MEDIC khởi đầu là một trung tâm huấn luyện siêu âm, gọi là trung tâm siêu âm MEDIC. Sau đó các máy móc, thiết bị chẩn đoán hiện đại lần đầu tiên được nhập về như Nội Soi, CT scanner, MRI... nên đổi tên thành Trung Tâm Chẩn Đoán Y Khoa MEDIC. Về sau MEDIC mở rộng thêm các phòng khám chuyên khoa sâu như Phòng khám chuyên khoa Gan, chuyên khoa Giấc Ngủ, chuyên khoa Dị Ứng... nên đổi thành Trung Tâm Y Khoa MEDIC, tức có chẩn đoán, có điều trị. Mặc dù đây là nơi đầu tiên có tên MEDIC nhưng do BS Phan Thanh Hải không đăng ký độc quyền thương hiệu nên sau đó nhiều phòng khám đa khoa khác ở khắp đất nước có tên MEDIC. Nhiều người bệnh nhầm lẫn các phòng khám này với MEDIC ở TPHCM. Tuy nhiên, bệnh nhân lại ít nhớ tên MEDIC bằng tên Hòa Hảo. Chính tên Hòa Hảo lại là thương hiệu được bệnh nhân ưa chuộng vì nó gần gủi, dễ đọc, dễ nhớ hơn tên MEDIC. Ngày nay, TTYK MEDIC vẫn còn đó nhưng bảng hiệu mang tên Hòa Hảo to đùng, không lo đụng hàng.

Loại phòng khám ăn theo:

Xung quanh các bệnh viện lớn thường có các nhà thuốc tây và phòng khám nhỏ. Đây được xem như các cơ sở làm ăn ăn theo địa điểm của bệnh viện lớn. Điều này xảy ra tự nhiên và không ai cấm. Tuy nhiên, để có khách hàng, các phòng khám vệ tinh này thường có đội ngũ cò mồi là những anh xe ôm đứng lang bang quanh cổng bệnh viện. Họ rất tinh mắt, tinh ý, thấy bệnh nhân tay xách nách mang, ngó dáo dác là sáp đến dẫn đi. Bệnh nhân nghe họ nói rằng sẽ giúp khám nhanh thì bùi tai đi theo, đâu biết là bị dắt vào các "phòng khám vệ tinh". Tất nhiên là các phòng khám vệ tinh sẽ "chặt đẹp" tiền công khám, phí xét nghiệm và đơn thuốc để có tiền trả cho cò mồi. Mỗi ca dắt mối được tầm 200 - 300 ngàn. Đặc điểm là các đơn thuốc được ghi khoảng 9-10 tên thuốc, đơn nào giống đơn nấy, nhiều thuốc chẳng liên quan gì đến bệnh.

Nhiều bệnh nhân đã lỡ theo cò và phòng khám vệ tinh, biết mình bị lừa nên bỏ tiền công khám, bỏ kết quả xét nghiệm, tự mình vào đúng nơi cần đến để khám lại từ đầu.

 

BS PHAN XUÂN TRUNG