Bệnh sốt xuất huyết và biến chứng chảy máu trong nhãn cầu
Hỏi: Cháu tôi 15 tuổi, 3 ngày sau khi điều trị khỏi sốt xuất
huyết thấy mắt phải gần như mù hẳn, phía trên của mắt phải lờ mờ có
ánh đỏ thẫm, phía dưới đen ngòm; mắt trái bình thường. Xin hỏi cháu
bị bệnh gì? Nên khám bệnh ở đâu? Có thể chữa khỏi được không?
Trả lời: Trong những biến chứng về mắt của bệnh sốt xuất huyết
có 2 loại có thể làm bệnh nhân mù đột ngột mà không gây đau nhức
mắt, cũng không làm đỏ mắt. 2 biến chứng đó là: - Xuất huyết
võng mạc: Võng mạc là màng thần kinh trong mắt, ở đây có những tế
bào thị giác giúp cho sự nhìn. Trong biến chứng này các mạch máu của
võng mạc bị tổn thương, máu thấm lên thành những lớp mỏng che trước
võng mạc. Ở những chỗ bị che khuất đó người ta không nhìn thấy được
mọi vật. Thị lực của mắt ấy giảm sút. - Xuất huyết trong dịch
kính: Dịch kính là chất lỏng lầy nhầy trong nhãn cầu, bình thường
dịch kính trong suốt ta mới nhìn thấy được mọi vật. Khi một mạch máu
trong mắt bị vỡ, máu tràn vào trong buồng dịch kính che khuất các
vật ở trước mắt. Lúc này, trước mắt bệnh nhân chỉ còn là bóng tối;
giơ bàn tay trước mắt, người bệnh chỉ còn thấy bóng bàn tay mà không
phân biệt được các ngón tay. Muốn phân biệt được xuất huyết
võng mạc và xuất huyết trong dịch kính, thầy thuốc nhãn khoa phải
dùng máy soi đáy mắt. Do vậy trước biến chứng chảy máu ở trong
nhãn cầu của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân nên đến khám ở khoa mắt
để được điều trị, vì việc chữa xuất huyết trong nhãn cầu chỉ có kết
quả nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm.
Trong lúc chờ đợi, cho bệnh nhân uống rutin C ngày 3 viên.
PGS.TS. Phan Dẫn, Sức khoẻ & Đời sống