Bệnh lồng ruột ở trẻ
Trẻ bú tham rất dễ bị lồng ruột. |
Lồng ruột là tai biến thường xảy ra ở trẻ còn bú mẹ, đặc biệt ở những em khỏe mạnh, bú tham có nhu động ruột mạnh. Khi bị lồng ruột, các mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẹt, không nuôi được đoạn ruột lồng dẫn đến hoại tử.
Trong quá trình phát triển của bào thai, đoạn đầu của ruột già bao gồm manh tràng và đại tràng được cố định vào thành bụng, còn ruột non thì không, nên ruột non không thể chui vào ruột già. Tuy nhiên, nếu manh tràng và đại tràng không được cố định, cộng với sự nhu động quá mạnh của ruột, ruột non chui vào lòng ruột già gây ra lồng ruột.
Cách nhận biết trẻ bị lồng ruột:
- Độ tuổi dễ bị là khoảng 4-9 tháng, nhiều nhất là ở 5-6 tháng.
- Trẻ đang ăn uống bình thường bỗng khóc thét, bỏ bú, da tím tái, báo hiệu khúc ruột bắt đầu lồng vào nhau. Sau đó trẻ tạm thời yên, thậm chí bú lại. Nhưng khi cơn đau tái phát, trẻ khóc từng cơn, ưỡn người, không bú được, nôn. Vài giờ sau, trẻ mệt lả, da xanh nhợt.
- Khoảng 6-12 tiếng sau, trẻ đi ngoài ra máu tươi có lẫn chút nhầy. Nhìn trẻ giảm sút rõ rệt: da tái, môi khô, mạch nhanh, người lạnh, mắt trũng. Nếu cứ trong tình trạng đó 24 giờ không xử trí gì trẻ sẽ bị nôn liên tục, bụng trướng dần lên, da toàn thân lạnh, nhợt nhạt, mạch nhanh, nhỏ, thở gấp nông, dấu hiệu ruột bắt đầu hoại tử.
Cách xử trí:
- Khi trẻ khóc thét, bỏ bú và nôn, cần đưa ngay trẻ tới một cơ sở cấp cứu ngoại khoa.
- Sau khi xác định đúng bệnh của trẻ, cần tháo khối ruột lồng bằng cách bơm hơi qua hậu môn hoặc thụt thuốc cản quang dưới hướng dẫn của máy chiếu X-quang. Dưới áp lực của hơi hoặc thuốc, khối ruột lồng sẽ được tháo dần.
- Nếu trẻ được đưa đến muộn quá 6 tiếng, cần phẫu thuật ngay mới tháo được khối ruột lồng.
- Trường hợp sau 24 tiếng, ruột đã có dấu hiệu hoại tử, phải cắt đoạn ruột đó. Tuy nhiên, việc chăm sóc và hồi sức sau mổ rất khó khăn và phức tạp. Trẻ dễ tử vong do suy kiệt và viêm phổi nặng.
Bác sĩ Bùi Long, Tiền Phong