Trái rạ - bệnh truyền nhiễm phổ biến |
Sau bài viết về bệnh thủy đậu (trái rạ) đăng trên Báo Người Lao Động, một số bạn đọc viết thư hỏi thêm chi tiết và cách tiêm chủng phòng ngừa bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng Khoa Nội Tổng quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1, qua Báo Người Lao Động, trả lời chung cho những câu hỏi đặt ra |
Bệnh
thủy đậu còn gọi là bệnh trái rạ, phỏng rạ, do siêu vi trùng Varicella -
Zoster gây bệnh, là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất. Bệnh xảy ra ở mọi
lứa tuổi nhưng thường ở trẻ nhỏ hơn 10 tuổi. Bệnh có đặc trưng sốt, nổi
phát ban bóng nước ở da và niêm mạc, bắt đầu ở thân mình, mặt rồi lan ra
tay chân. Khả năng lây lan rất cao, 90% người tiếp xúc trực tiếp với
người bệnh sẽ bị nhiễm bệnh, sự lây truyền chủ yếu qua những giọt nước
bắn ra từ người bệnh, thời gian gây bệnh bắt đầu 24 giờ trước khi có
phát ban và kéo dài cho đến khi những bóng nước đóng mày (khoảng 7-8
ngày). Đa số trường hợp diễn biến lành tính, hồi phục sau một tuần,
nhưng cũng có thể gây tử vong do những biến chứng trầm trọng như viêm
não, viêm phổi, viêm gan hoặc thường gặp biến chứng nhiễm trùng da bội
nhiễm, viêm mô tế bào, viêm hạch... Vì vậy, để giảm nguy cơ nhiễm trùng
da cần phải vệ sinh thân thể, chăm sóc da bằng cách tắm bằng nước ấm,
lau rửa nhẹ nhàng tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo
sạch hàng ngày. Thoa Bleu de methylene nơi tổn thương do bóng nước vỡ,
cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa, cho ăn uống đầy đủ
dưỡng chất và nhu cầu, cho trẻ uống nhiều nước (nước sôi để nguội, nước
trái cây, nước canh, nước cháo...). Đối với trẻ lớn bị bệnh, tạm thời
cho nghỉ học và cô lập với người xung quanh, cho đến khi bóng nước đóng
mày. Theo dõi diễn biến các tổn thương da và tình trạng chung của trẻ,
những dấu hiệu cần đưa đến cơ sở y tế là nhức đầu, đau ngực, đau bụng,
đau lưng, sốt cao, thở mệt, bóng nước nhiều có chứa mủ, máu... Do bệnh lây lan sớm, độ lây lan cao nên chủng ngừa bằng vắc- xin là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa bệnh và giảm độ nặng của bệnh. Vắc-xin được dùng tiêm ngừa cho người khỏe mạnh, chưa mắc bệnh thủy đậu, từ 12 tháng tuổi trở đi, có tác dụng rất tốt. Liều chích ngừa chia làm 2 nhóm tuổi: từ 12 tháng đến 13 tuổi chích 1 liều duy nhất, đối với trẻ trên 13 tuổi chích 2 liều, khoảng cách giữa 2 liều tiêm là 4 - 8 tuần. Thuốc chích ngừa ít gây tác dụng phụ, lưu ý sau chủng ngừa không uống Aspirin trong ít nhất 6 tuần. Đối với trẻ em nhỏ hơn 15 tuổi có thể chủng ngừa tại các bệnh viện nhi đồng, trẻ trên 15 tuổi và người lớn nên chủng ngừa tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hoặc Viện Pasteur. Lưu ý khi trẻ bị thủy đậu nếu không kiêng cữ gió, ánh sáng sẽ làm da trẻ ẩm, dễ gây ngứa; không chọc vỡ bóng nước, đắp lá cây gây nhiễm trùng da; không uống Aspirin, thuốc Corticoid dạng uống hay bôi ngoài da vì có thể làm nặng thêm bệnh. |
N.Phương |