Các chứng đau đầu thường gặp ở trẻ em
Đau đầu là bệnh ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở trẻ vị thành niên, với nhiều loại và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước tuổi dậy thì, bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, nhưng sau khi khởi phát thì lại gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Một số kiểu đau đầu thường gặp ở trẻ em như sau:
Đau đầu cấp (cơn đau đầu đơn thuần, kèm có hay không có tiền sử trước đó): Nguyên nhân thường là do: viêm hô hấp trên (có sốt hoặc không sốt), viêm xoang, viêm họng, viêm màng não (do vi rút hay vi khuẩn), migraine, cao huyết áp, lạm dụng chất gây nghiện (cocain), thuốc (methylphenidate, steroids...), độc chất (chì...), u não, não úng thủy, xuất huyết nội sọ...
Trong những nghiên cứu tại phòng cấp cứu về bệnh đau đầu của trẻ em, khi trẻ đau đầu có kèm theo một hay nhiều dấu hiệu như: thay đổi tri giác, cổ cứng, cử động mắt bất thường, liệt nửa người... Và những triệu chứng này đều có bệnh nền nghiêm trọng như xuất huyết nội, u não, viêm màng não.
Khi xuất hiện những cơn đau đầu cấp ở trẻ em, động tác can thiệp tức thì là nên đặt trẻ nằm ở nơi yên tĩnh, phòng tối, đắp khăn ẩm lạnh trên trán, giấc ngủ thường là phương pháp trị liệu hiệu quả nhất.
Đau đầu cấp - tái phát (kiểu đau đầu xen kẽ với những khoảng thời gian không triệu chứng): Đau đầu migraine (có hoặc không có tiến triển) là dạng đau đầu cấp - tái phát phổ biến nhất ở trẻ em. Trẻ đau đầu migraine có biểu hiện đau đầu từ năm cơn trở lên, kéo dài 1- 48 giờ, đau cả hai bên hoặc chỉ một bên trán, thái dương; cường độ đau từ trung bình tới nặng, tăng lên khi thực hiện các hoạt động thường qui, đi kèm với ít nhất một trong các yếu tố như buồn nôn hoặc nôn, sợ ánh sáng hoặc sợ âm thanh.
Điều trị migraine ở trẻ em được chia thành hai giai đoạn: các biện pháp chung và dùng thuốc. Biện pháp chung đầu tiên là phải khẳng định chắc chắn đối với bệnh nhân và người chăm sóc về nguyên nhân của đau đầu.
Những biện pháp trị liệu tổng quát khác bao gồm xác định và loại trừ các yếu tố khởi phát cơn đau đầu, điều hòa phong cách sống. Những yếu tố khởi phát đau đầu migraine phổ biến ở trẻ em là gián đoạn giấc ngủ, lỡ bữa ăn, lạm dụng thuốc giảm đau và stress.
Cũng nên lưu ý tình trạng nghiện hay cai nghiện caffeine có thể gây ra cơn đau đầu ở trẻ vị thành niên (có một số trẻ vị thành niên dùng nhiều loại nước ngọt có caffeine hay uống vài ly cà phê mỗi ngày). Đa số trẻ bị migraine không cần dùng thuốc. Việc dùng thuốc điều trị hay không do bác sĩ quyết định.
Ngoài ra còn có các hội chứng đau đầu cấp - tái phát khác ở trẻ em và trẻ vị thành niên như: đau đầu kiểu căng thẳng (xảy ra ở trẻ em nhưng chưa có nghiên cứu nghiêm túc), đau đầu do rối loạn khớp thái dương hàm (ít gặp), đau nửa đầu kịch phát (đặc trưng bởi những cơn đau nhiều quanh hốc mắt kéo dài 5-30 phút và xảy ra nhiều lần trong ngày), đau đầu vùng chẩm (đặc trưng bởi những cơn đau như dao đâm ở vùng cổ trên hay vùng chẩm và thường xảy ra khi gập cổ hay xoay đầu)...
Đau đầu mãn - tiến triển (tăng từ từ về tần suất đau và độ nặng): Nguyên nhân là do trẻ bị u não, não úng thủy (tắc nghẽn hay thông thương), não giả u, áp xe não, bướu máu, túi phình mạch máu và các bất thường mạch máu, thuốc, độc chất... Đau đầu mãn - tiến triển có tiên lượng xấu nhất trong các kiểu đau đầu, liên quan đến việc gia tăng dần về tần suất và độ nặng của cơn đau theo thời gian.
Khi đau đầu có kèm theo thay đổi tình trạng tâm thần, bất thường của cử động mắt, méo đĩa thị, bất đối xứng về vận động hay cảm giác... phải nghi ngờ có bệnh lý nội sọ. Với những bệnh nhân đau đầu mãn - tiến triển phải được chẩn đoán hình ảnh để kịp thời có biện pháp điều trị can thiệp.
Đau đầu mãn - không tiến triển (mãn tính - hằng ngày, đau đầu thường xuyên): Còn gọi là đau đầu mãn hằng ngày. Tỷ lệ bệnh ở trẻ vị thành niên là 0,2 - 0,9%. Nhiều trẻ vị thành niên bị đau đầu liên tục không dứt. Có khi đau đầu kéo dài hơn hoặc bằng bốn giờ và xảy ra trên 15 lần trong một tháng.
Với kiểu đau đầu này phải chú ý xác định các yếu tố làm khởi phát hay làm nặng thêm những cơn đau đầu ở góc độ nguyên nhân tâm lý và giáo dục. Từ đó có kế hoạch điều trị toàn diện (phân tích các thói quen ngủ, tập thể dục, chế độ ăn uống, học tập...) như tham vấn, xử trí stress, liệu pháp hành vi... Chú ý không nên dùng thuốc ngủ cho những bệnh nhân đau đầu mãn tính hằng ngày.
Đau đầu phối hợp (đau đầu cấp - tái phát chồng lên kiểu đau nền mãn tính - hằng ngày): Đau đầu kiểu phối hợp là đau đầu migraine chồng lên nền kiểu đau đầu mãn tính hằng ngày. Điều trị tương tự như đau đầu mãn tính hằng ngày, kết hợp với tâm lý và hành vi liệu pháp, sử dụng thuốc giảm đau và các thuốc dự phòng.
PGS Lê Hoàng Ninh, Tuổi Trẻ