Chứng đau bụng do stress ở trẻ em
Sự hòa hợp giữa mẹ và con rất tốt cho sức khỏe của trẻ. |
Một số trẻ thỉnh thoảng lên cơn đau bụng, dù kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, X-quang và nội soi cho thấy các cơ quan đều bình thường, không có tổn thương thực thể nào. Nguyên nhân của các cơn đau này chính là sự bất ổn tâm lý. Đây là bệnh thường gặp ở học sinh trung học, xuất hiện nhiều hơn ở các em gái.
Chứng bệnh kể trên đã được Apley đề cập từ những năm 40: "Bệnh thường gặp ở trẻ đang tuổi đi học, bị stress ở trường hoặc ở nhà. Bệnh nhân có ít nhất 3 cơn đau bụng trong hơn 3 tháng, có thể kèm nhức đầu, mệt mỏi, nhưng kết quả thăm khám đều bình thường. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là trẻ không có triệu chứng đau thực sự".
Bệnh khởi phát từ từ với cơn đau lâm râm vừa phải. Bệnh nhân nôn mửa, xanh xao, chóng mặt, nhức đầu và mệt mỏi (những triệu chứng này có thể xuất hiện trước hoặc kèm với cơn đau). Vị trí đau thay đổi; trẻ thường không định vị được chính xác là đau ở đâu trong khoảng từ thượng vị đến hạ vị.
Đau bụng do stress thường xảy ra ở những trẻ sau:
- Có xáo trộn về tâm lý hoặc dễ xúc cảm.
- Sống trong gia đình có những vấn đề phức tạp như cha mẹ thường xuyên bị stress, bị bệnh, bất đồng trong hôn nhân hoặc mất sớm; quan hệ giữa cha mẹ và con cái không tốt.
- Thiếu tự tin, khó thân thiện.
- Gặp phải khó khăn ở trường, lớp, thường bị bạn học bắt nạt hoặc thầy cô la mắng.
Theo một số nhà khoa học, hằng năm, tỷ lệ mắc chứng đau kể trên thường tăng lên từ tháng 9, sau ngày khai trường! Tâm lý "sợ trường lớp", "sợ thi cử" có vai trò khởi phát bệnh.
Cha mẹ không nên quá chú ý đến cơn đau của trẻ
Do quá lo lắng khi thấy con than vãn, rên rỉ, cha mẹ thường cho phép con nghỉ học. Đây là một phản ứng không thích hợp, với hậu quả là trẻ sẽ nghỉ học thường xuyên và dần dần biết lợi dụng cơn đau để "mè nheo" với cha mẹ. Việc cho phép nghỉ học đôi khi vô tình tạo cớ cho trẻ khỏi phải tham gia vào các hoạt động thể thao hoặc hoạt động xã hội.
Để khắc phục chứng bệnh này, cha mẹ nên tìm hiểu các yếu tố gây stress cho trẻ trong gia đình và trường học, nhằm giảm các yếu tố đó đến mức thấp nhất. Cần có sự liên hệ chặt chẽ giữa cha mẹ, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm lý và nhà trường.
BS Phạm Thị Ngọc Tuyết, Sức Khỏe & Đời Sống