Tật tim bẩm sinh ở trẻ em
Tác giả : TS. BS. VŨ MINH PHÚC (TRƯỜNG ÐH Y DƯỢC TPHCM)
Trẻ có tật tim bẩm sinh (TBS) là trẻ khi mới vừa sinh ra đã có những bất thường trong cấu trúc của buồng tim, các vách ngăn trong tim, các van tim, những mạch máu lớn xuất phát từ tim. Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, TBS chiếm khoảng 0,7 - 0,8% tổng số trẻ sơ sinh lúc chào đời. Ở Việt Nam chưa có số liệu chính xác về tần suất TBS trong cộng đồng. Nhưng theo số liệu trong 10 năm (1984-1994) ở Bệnh viện Nhi đồng I và II TPHCM, có khoảng 10.000 trẻ bị bệnh tim nằm điều trị, trong đó có 5.442 trẻ bị bệnh TBS, chiếm 54% tổng số bệnh tim ở trẻ em.
Tại sao trẻ sinh ra lại có TBS?
Với những tiến bộ của y học hiện nay, một số nguyên nhân của TBS đã được tìm thấy, đó là: (1) Do bất thường của các nhiễm sắc thể số 13, 18, 21 (hội chứng Down), 22 hoặc của các nhiễm sắc thể giới tính như XO (hội chứng Turner), XXY (hội chứng Klinefelter); Những bất thường này không di truyền vì sự sai lệch của các nhiễm sắc thể chỉ là tai nạn đột xuất, xảy ra ở một thế hệ nào thôi chứ không truyền từ đời này sang đời khác. (2) Do di truyền trong gia đình khiến TBS xảy ra trong nhiều thế hệ của gia tộc. Nguyên nhân này chiếm khoảng 3% các trường hợp TBS. (3) Do các yếu tố từ môi trường sống tác động lên cơ thể bà mẹ lúc mang thai như tia phóng xạ, tia quang tuyến X, hóa chất, rượu, thuốc (đặc biệt là các thuốc an thần, thuốc nội tiết tố); hoặc mẹ mắc một số bệnh do siêu vi trùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ như quai bị, rubéole, herpès... (4) Do mẹ mắc một số bệnh như tiểu đường, lupus đỏ...
Làm thế nào nhận diện trẻ có TBS?
Ðây là điều rất quan trọng, giúp cha mẹ đưa con đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị kịp thời. Trẻ có tật TBS thường hay bị ho, khò khè tái đi, tái lại nhiều lần, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực bị rút lõm khi hít vào), trẻ rất hay bị sưng phổi. Da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi, thường rất dễ mệt. Một số trẻ tím môi và đầu ngón tay, ngón chân khi khóc, khi rặn đi cầu hoặc tím ngay từ khi mới sinh, điều này khó nhận ra ở trẻ có nước da ngăm đen. Các trẻ có tật TBS thường bú hoặc ăn kém, khi bú trẻ có vẻ rất mệt, đang bú phải ngưng lại, nghỉ một lúc để thở rồi mới bú tiếp; Một bữa bú kéo dài trên 30 phút, do đó trẻ chậm lên cân, thậm chí không tăng cân, sụt cân, chậm mọc răng, chậm biết lật, biết bò, biết đi và đứng hơn so với trẻ bình thường. Trong một số trường hợp, trẻ có tật TBS nhưng không có biểu hiện gì do tật không nặng, chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi đi khám vì một lý do khác. Có một số tật khác cũng hay đi kèm với tật TBS như hội chứng Down, sứt môi - chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay - ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ...
Chẩn đoán và điều trị
Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng trên, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch nhi để được chẩn đoán chính xác. Một số trẻ mắc những bệnh lý khác cũng có thể có các triệu chứng tương tự, do đó gia đình không nên quá lo lắng mà cần tham khảo ý kiến của các thầy thuốc chuyên khoa. Hiện nay trên thế giới, phần lớn các trường hợp TBS đã được điều trị khỏi bằng phẫu thuật sửa chữa những khuyết tật trong tim, hoặc có những biện pháp điều trị can thiệp khác không cần phải phẫu thuật. Ở TPHCM, Viện tim đã tiến hành phẫu thuật được một số tật TBS như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot, hẹp động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ... Những trẻ có tật TBS không thể phẫu thuật được hoặc trong thời gian chờ đợi phẫu thuật cần phải được điều trị và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch nhi để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh như suy tim, cơn khó thở tím hoặc nhiễm trùng nặng. Những trẻ bị TBS vẫn phải được chủng ngừa các bệnh theo chương trình quốc gia như trẻ bình thường. Ðặc biệt các bậc cha mẹ phải lưu ý đến vấn đề chăm sóc vệ sinh răng miệng cho các trẻ có TBS, chải răng cho trẻ sau mỗi bữa ăn, đưa trẻ đi khám răng định kỳ. Nếu cần nhổ răng, cha mẹ phải thông báo cho các nha sĩ biết trẻ có tật TBS để trẻ được uống kháng sinh dự phòng nhiễm trùng trước và sau nhổ.
Làm thế nào để tránh cho con khỏi bị TBS?
Tốt nhất là trước khi dự định mang thai mẹ nên khám sức khỏe định kỳ, chủng ngừa một số bệnh như sởi - quai bị - rubéole, viêm gan siêu vi B và điều trị cho ổn định các bệnh tiểu đường, lupus đỏ... (nếu có). Khi mang thai bà mẹ phải thường xuyên theo dõi thai kỳ tại cơ sở y tế. Tránh uống rượu, tránh tiếp xúc với các hóa chất, độc chất, không được chụp hình bằng tia X. Khi dùng bất cứ thuốc gì đều phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Chú thích ảnh: Một ca phẫu thuật thay van tim.