NÊN LÀM GÌ KHI CON BẠN BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?
Tác giả : Thạc sĩ NGUYỄN QUANG BẢY (Khoa Nội tiết - ĐTĐ, BV. Bạch Mai)
(Tiếp theo và hết)
Làm thế nào để con tôi có thể học hỏi và tự chăm sóc nhiều hơn về bệnh ĐTĐ
Nếu bạn muốn con mình có được thói quen học hỏi cách kiểm soát bệnh ĐTĐ của nó hàng ngày, hãy làm theo các bước sau:
a. Nói với con bạn về những gì mà nó có thể làm để chữa bệnh ĐTĐ. Lập một danh sách những điều cần làm để kiểm soát tốt nhất bệnh ĐTĐ. Sau đó chọn ra một số công việc mà bạn muốn con mình thực hiện thành thạo.
b. Đặt ra những phần thưởng nhỏ mà con bạn sẽ được nhận nếu nó làm tốt những điều bạn muốn, ví dụ cho thêm thời gian xem ti vi hoặc thưởng đồ chơi, sách v.v...
c. Hãy lập một bảng công việc:
- Danh sách những công việc mà con bạn nên làm mỗi ngày, trong đó có từ 1-2 công việc mà nó đã thực sự làm tốt.
- Xem con bạn đã làm được bao nhiêu việc (mỗi việc làm được sẽ đánh 1 dấu cộng) và nhận phần thưởng.
- Hãy để trẻ tự chọn chỗ treo bảng này, và phải treo sao cho trẻ có thể với tới được.
d. Mỗi tối, đề nghị trẻ tự tổng kết xem đã làm được bao nhiêu việc, có được nhận phần thưởng hay không và phần thưởng đó là gì?...
e. Một số lưu ý quan trọng:
- Khen ngợi kịp thời khi con bạn làm được những công việc mới. Theo kinh nghiệm thì với cách này, chỉ sau một thời gian ngắn bạn có thể bỏ bảng nói trên.
- Khi con bạn không làm được điều gì thì hãy nói: “Con nên cố gắng vào ngày mai”.
- Không bao giờ được trừng phạt nếu trẻ không chịu làm hoặc không làm được gì. Không bao giờ được xóa đi những dấu cộng trên bảng đó.
- Khi tập trung vào đứa con bị ĐTĐ, bạn không bao giờ được quên những đứa con khác. Tốt nhất là cũng lập cho chúng những bảng công việc phải làm khác, ví dụ học bài, dọn nhà, vẽ tranh...(xem bảng ở cuối bài).
Khi trẻ có những hành động bất thường, bạn cần quan tâm xem đó là do nghịch ngợm hay do bệnh ĐTĐ?
Thật khó trả lời chính xác được câu hỏi này. Khi trẻ khóc, cáu gắt, hoặc túm đuôi chó mèo, bắt gián ăn..., thì dù do nguyên nhân gì, bạn cũng nên dỗ dành và khuyên con đừng nghịch như vậy nữa. Không bao giờ chiều chuộng trẻ quá mức. Là cha mẹ, vì thương con nên có thể bạn sẽ để mặc chúng muốn làm gì thì làm, nhưng như thế là sai lầm nghiêm trọng. Trong trường hợp này phải tỏ ra cứng rắn.
Sau đó hãy suy nghĩ hoặc hỏi trẻ những câu hỏi sau đây, tùy thuộc bạn nghĩ con mình bị đường máu quá cao hoặc quá thấp:
Nếu sợ trẻ bị hạ đường máu:
Có phải đây là thời điểm mà insulin tác dụng mạnh nhất không? (ví dụ 2 giờ sau khi tiêm insulin nhanh).
Con mình có bỏ ăn hoặc ăn ít vào buổi sáng (hoặc trưa) nay không?
Hôm nay nó có tập thể dục hoặc chạy nhảy nhiều quá?
Trông mặt (hoặc da) nó có xanh hoặc nhợt nhạt?
Có phải hàng ngày vào giờ này, nó đều có những hành động như vậy?
Nếu sợ đường máu của trẻ quá cao:
Nó có bị ốm (ho, sốt, cảm cúm) không?
Trông nó có thực sự khỏe mạnh không?
Đường máu của nó mấy ngày nay (hoặc sáng nay) có tốt không?
- Tiếp theo phải thử ngay đường máu cho trẻ (nếu có thể). Tùy đường máu cao hay thấp mà bạn có thể xử trí hoặc báo ngay cho bác sĩ và đưa con đến bệnh viện.
Làm cách nào tôi có thể học được tất cả những việc trên, và có thể học từ ai?
- Suy nghĩ này của bạn rất đúng. Quả là lúc đầu có quá nhiều việc bạn cần biết và phải làm. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng, mỗi ngày hãy dành một chút thời gian để học việc gì đó mà bạn cho là cần nhất. Bạn cũng có thể học hỏi từ rất nhiều người, đó là các bác sĩ, y tá, thầy cô giáo..., nhất là từ những ông bố, bà mẹ cũng có con bị ĐTĐ.
Bạn hãy luôn nhớ câu này: Hãy học những điều bạn chưa biết từ mọi người, chia xẻ những gì bạn đã biết cho mọi người và luôn giúp đỡ mọi người.
Nên nhớ rằng, công việc của cha mẹ có con bị ĐTĐ rất quan trọng. Cách tốt nhất giúp bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ lớn lao này là hãy cố gắng học hỏi tất cả những gì liên quan đến bệnh ĐTĐ trẻ em, bằng cách đặt những câu hỏi, tư vấn các chuyên gia về bệnh ĐTĐ, đọc sách báo, tham gia vào các câu lạc bộ bệnh nhân hoặc câu lạc bộ cha mẹ bệnh nhân ĐTĐ.
Tóm lại: Thật không may nếu con của bạn bị ĐTĐ, nhưng bạn hoàn toàn có thể an tâm con bạn sẽ phát triển một cách bình thường nếu nó được chăm sóc và điều trị tốt. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực và khả năng của các bậc cha mẹ, vì vậy bạn hãy cố gắng học hỏi để trở thành một người thầy thuốc gia đình.
Chú thích ảnh: Trẻ bị ĐTĐ vẫn có thể sinh hoạt cộng đồng như những trẻ bình thường khác (ảnh minh họa).