VIÊM NÃO TRẺ EM - LỜI CẢNH BÁO!

Tác giả : MINH CHÂU

Đến ngày 4/6/2004, đã có 78 trường hợp bệnh nhân nhi phải nhập viện do viêm não. Khác với năm ngoái, năm nay mới chỉ có một số ca được xác định là viêm não Nhật Bản, số còn lại do nhiều nguyên nhân khác đang được điều trị và theo dõi tiếp. Điều đáng nói là đã có 3 ca tử vong và 10 ca bệnh nặng với tình trạng rất xấu, hôn mê ở các mức độ khác nhau, trong đó có một số ca hôn mê sâu. Viêm não trẻ em đã như một lời cảnh báo…

Ảnh: Cháu Phạm Văn Thắng bị viêm não đang nằm điều trị tại BV. Nhi TW. Ảnh: Minh Châu.

Những đứa trẻ bất hạnh

Sáng 4/6/2004, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương (TƯ). Tim chúng tôi như thắt lại khi chứng kiến những bệnh nhi bé bỏng nằm mê man với ống trợ thở cắm sâu trong mũi. Tôi ngồi xuống cạnh giường một bé trai đang nằm bất động nhưng miệng không ngớt ú ớ những câu vô nghĩa, hai mắt mở trừng trừng, đờm dãi chảy ra làm ướt cả vạt áo. Chị Thi - mẹ cháu - thổn thức kể trong nước mắt: Cháu tên Phạm Văn Thắng, 5 tuổi, quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên. Hôm 1/6/04, cháu kêu đau đầu dữ dội, bỏ cơm lên giường nằm. Sờ trán con thấy nóng như chảo rang, chị ra vườn vơ vội nắm lá diếp cá vò lấy nước cho cháu uống. Ai ngờ 30 phút sau đó, cháu lên cơn co giật, toàn thân co rút, mắt trợn ngược. Quá kinh hãi, chị vội bế xốc cháu đến trạm xá, rồi trạm xá vội chuyển cháu lên huyện. BV huyện tức tốc chuyển lên BV. Nhi. Chị Thi nấc lên: “Khi vào BV, con tôi đã hôn mê. Tưởng một lúc sẽ tỉnh, ai ngờ đến tận hôm nay chỉ nằm bất động, không nói, không cười, không nhận ra được ai cả...”.

Giường bên, chị Nguyễn Thị Thu (quê ở thôn 1, Quảng Ngạn, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đang vỗ về một bé gái người nhỏ thó, đôi mắt thất thần, cháu ưỡn cong người và gào lên những câu ngọng nghịu vô nghĩa. Nhìn vóc dáng tiều tụy, rúm ró của cháu Quỳnh Như, không ai ngờ 1 tháng trước đó, cháu là một cô bé nhí nhảnh, rất đáng yêu. Chị Thu mếu máo: “Thấy cháu sốt và kêu đau đầu, tôi tưởng cháu chỉ bị cảm sốt thông thường nên mua thuốc hạ sốt cho cháu uống. Ai ngờ bệnh ngày càng trầm trọng. Gia đình vội vàng đưa cháu đến bệnh viện. Sau 2 tuần điều trị, thấy bệnh tình có thuyên giảm nên gia đình tự động đưa cháu về nhà. Không ngờ chỉ hai hôm sau, cháu lại sốt mê man. Khi nhập BV. Nhi, cháu đã hôn mê, nay tỉnh rồi nhưng... lạ lắm!”. Tôi nhìn vào đôi mắt mở to ráo hoảnh phát ra những tia sáng khác thường của bé Như mà lòng không khỏi xót xa. Còn chị Phương (quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa) mẹ cháu Lê Đình Hải, 8 tuổi nhớ như in cái ngày 28/5 định mệnh ấy. Hải bị sốt cao, đến ngày thứ 2 thì liên tục lên cơn co giật, cổ cứng, mắt trợn ngược, lưng uốn cong cứng đờ. Không kịp mang theo quần áo, tiền bạc, chị Phương ôm con lên bệnh viện tỉnh, lập tức Hải được làm thủ tục chuyển ngay lên đây và phải thở ô xy vì hôn mê. Sau gần hai tuần vật lộn với tử thần, Hải đã bắt đầu tỉnh lại nhưng trở thành một con người khác, tay chân co quắp, mồm méo xệch...

Nguyên nhân gây bệnh viêm não

Bệnh viêm não thường xuất hiện vào đầu tháng 5 và bùng phát từ tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm. Theo thống kê của BV. Nhi TƯ, tính từ 31/05/04 đến 04/06/04, bệnh viện đã tiếp nhận 78 bệnh nhân bị viêm não; Khác với năm ngoái, năm nay chỉ có một số ca được xác định là viêm não Nhật Bản, số còn lại chưa xác định được nguyên nhân. Điều đáng nói là đã có 3 ca tử vong do bệnh quá nặng và 10 ca bị hôn mê ở những mức độ khác nhau. Trao đổi với chúng tôi, BS. Bùi Vũ Huy - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm BV. Nhi TƯ cho biết: Năm nay tỷ lệ bệnh nhi bị viêm não có nhiều diễn biến khác năm ngoái. Nếu như năm 2003, các ca viêm não chủ yếu tập trung ở Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, thì năm nay chỉ có một trường hợp ở Bắc Ninh, còn tập trung cao nhất ở Hà Tây (12 trường hợp), Thanh Hóa (10 trường hợp), Hà Nội (9 trường hợp)... Trong đó, bệnh viêm màng não do virus chiếm tỷ lệ khá lớn, nguyên nhân do nhiều chủng virus khác nhau. Khi mắc bệnh, trẻ thường có những biểu hiện như: đột ngột sốt cao 39-400C, buồn nôn, nôn, đau đầu; nặng hơn có thể co giật, mắt trợn ngược, thở khò khè, sau đó đi vào hôn mê. Di chứng của viêm não rất nặng nề với những tổn thương trầm trọng ở não, ảnh hưởng trầm trọng đến tâm thần và vận động. Phần lớn, khi đã bị hôn mê, sau này các cháu sẽ phải chịu di chứng liệt, đần độn, không thể đi lại, nói cười, thậm chí có cháu còn bị lên cơn điên, đập phá điên cuồng. Có thể nói tương lai của các cháu gần như không còn nếu không được điều trị và châm cứu tích cực để hồi phục lại phần nào khả năng vận động và nhận thức.

Điều trị và phòng ngừa

Trao đổi với những bà mẹ đang chăm con tại BV. Nhi, chúng tôi không khỏi lo ngại trước sự kém hiểu biết của họ về căn bệnh này. Ngay cả những bà mẹ sống tại Hà Nội, là cán bộ, viên chức có trình độ cũng còn rất mơ hồ về bệnh viêm não, nhất là viêm não Nhật Bản. BS. Nguyễn Văn Lộc - Phó Giám đốc BV. Nhi TƯ đã đưa ra lời cảnh báo: “Các trung tâm y tế địa phương cần có chiến dịch truyền thông về dịch bệnh các loại cho các bà mẹ trẻ, hướng dẫn cách vệ sinh, chăm sóc trẻ...”. Để đề phòng tình trạng trẻ nhập viện quá muộn, khi thấy trẻ có các triệu chứng của bệnh cần đưa ngay đến các cơ sở y tế, không được điều trị tại nhà. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não; Vì vậy các bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng cho bệnh nhân như: Hạ sốt, an thần, chống co giật. Trong trường hợp bệnh nhân bị hôn mê hoặc phù não sẽ được điều trị bằng liệu pháp truyền dịch, sử dụng kháng sinh nếu có bội nhiễm.

Theo các chuyên gia về virus của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, các bậc phụ huynh cần có biện pháp chủ động phòng bệnh viêm não bằng nhiều cách như: Tiêm phòng vaccin cho trẻ dưới 5 tuổi theo đúng quy định của Bộ Y tế, thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh cá nhân như ăn chín, uống sôi, rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn để phòng các tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa; Không nên đưa trẻ ra ngoài trời nắng; Vệ sinh môi trường xung quanh nhà, tích cực diệt muỗi, nhà cửa cần vệ sinh sắp xếp ngăn nắp, sạch thoáng; Các vật chứa nước đọng như gáo dừa, lon đồ hộp... cần được loại bỏ, khai thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, phát quang bụi rậm để diệt nơi trú ẩn và sinh sản của muỗi. Không nên nuôi heo, chim chóc trong nhà vì chúng có thể là những ổ chứa siêu vi viêm não Nhật Bản. Tuyệt đối không để trẻ chơi gần chuồng gia súc, bãi rác, bụi cây; Cho trẻ ngủ màn kể cả ban ngày để tránh bị bọ, muỗi đốt. Đó là những cách phòng ngừa tốt nhất mà chúng ta nên làm để tránh cho các cháu mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này.  

THƯ MỤC NHI KHOA
Nhi khoa - Bệnh trẻ em
Nhi khoa - Chăm sóc trẻ em
Nhi khoa - Cấp cứu và xử trí trẻ em
Nhi khoa - Dinh dưỡng trẻ em
Nhi khoa - Sai lầm trong chăm sóc trẻ em
Nhi khoa - Sơ sinh và nhủ nhi
Nhi khoa - Sự phát triển của trẻ em

Bệnh viện Nhi Trung Ương

  • Địa chỉ: 18/879 La Thành – Đống Đa – Hà Nội
  • Điện thoại: (84-024) 6 273 8532
  • Fax: (84-024) 6 273 8573

Bệnh viện Nhi Đồng 1

Bệnh viện Nhi Đồng 2

  • www.benhviennhi.org.vn
  • Địa chỉ: 14 Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM
  • Điện thoại: (028) 38295723 - (028) 38295724.

BV Nhi Đồng Thành Phố

  • Địa chỉ: 15 Võ Trần Chí, Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM.
  • Điện thoại: (028) 2253 6688
  • Fax: (028) 2253 8899
  • Email: bv.nhidong@tphcm.gov.vn
  • Website: www.bvndtp.org.vn

BV Nhi Thái Bình

BV Nhi TP. Cần Thơ

  • Địa chỉ: Số 345 Nguyễn Văn Cừ, P. An Bình, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
  • Điện thoại: 02923748356
  • Fax: 02923831031
  • Email: bvnhidong@cantho.gov.vn

BV Nhi Đồng Nai

  • Địa chỉ: Khu phố 5, Phường Tân Hiệp, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
  • Số điện thoại: 02513.891500 - Nhánh 151

Bệnh Viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng

  • Địa chỉ: 402 Lê Văn Hiến, Quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng
  • Điện thoại: 0236.3957 777, Fax: 0236.3957 779
  • Đường dây nóng: 0962 291 818
  • Email: benhvienphusannhi@danang.gov.vn
  • Website: www.phusannhidanang.org.vn

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh

  • Địa chỉ: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, Thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh.
  • Điện thoại: (02223).89.59.69
  • Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn

BV Sản Nhi Ninh Bình

  • ĐT: 0229.3893656 Fax: 0229.893550
  • ĐT nóng ngành: 1900.9095 ĐT nóng bệnh viện: 0229.3513388
  • Thư điện tử: bvsnnb@gmail.com
  • Đ/c: Đường Phan Chu Trinh, p.Nam Thành, tp.Ninh Bình

BV Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc

BV Sản Nhi tỉnh Bình Dương

  • 455 đường CMT8, P. Phú Cường, Tp. Thủ Dầu Một, Bình Dương
  • Điện thoại: 0274.3836.042 | Fax: (0274)3859580
  • Email: bvpsbinhduong@yahoo.com

 

Các bệnh viện chuyên khoa Nhi có nhu cầu gửi thông tin vào nơi này xin vui lòng gửi qua theo form này

Các sản phẩm y tế

Shop Bác sĩ Trung http://www.shopbstrung.com

 

THƯ MỤC Y HỌC PHỔ THÔNG
Bệnh nhi khoa
Nhi khoa - Bệnh trẻ em
Nhi khoa - Chăm sóc trẻ em
Nhi khoa - Cấp cứu và xử trí trẻ em
Nhi khoa - Dinh dưỡng trẻ em
Nhi khoa - Sai lầm trong chăm sóc trẻ em
Nhi khoa - Sơ sinh và nhủ nhi
Nhi khoa - Sự phát triển của trẻ em