U buồng trứng ở trẻ em
Ở trẻ em, u buồng trứng thường xuất hiện vào tuổi dậy thì (10-15 tuổi); 3/4 trường hợp là lành tính (u quái dạng bọc). Ung thư buồng trứng trẻ em ít gặp, chiếm 0,1% các loại ung thư ở người dưới 15 tuổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, u buồng trứng có nguồn gốc từ một trong 3 thành phần: lớp tế bào biểu mô, lớp tế bào mầm và mô đệm, dây sinh dục. Ở phụ nữ trưởng thành, u buồng trứng lành tính thường gặp ở độ tuổi sinh đẻ; phần lớn là u dạng bọc (còn gọi là u nang), có vỏ bao trơn láng, bên trong chứa dịch. U ác tính thường gặp ở phụ nữ trung niên.
Ở trẻ em, u buồng trứng thường có nguồn gốc từ tế bào mầm, 75% là
lành tính. Trẻ thường có cảm giác nặng bụng và có khối u ở bụng
dưới, vùng chậu; đau quặn ở dưới rốn; rối loạn kinh nguyệt, chảy máu
âm đạo. Một số trường hợp dậy thì sớm hoặc không thấy kinh. Về sau,
trẻ biếng ăn, mất ngủ, táo bón hoặc tiểu nhiều lần.
Để chẩn
đoán bệnh, ngoài thăm khám lâm sàng, nên thực hiện thêm các phương
pháp như siêu âm vùng bụng chậu, xét nghiệm dấu ấn ung thư, xét
nghiệm giải phẫu bệnh (rất quan trọng để xác định mô tế bào và tính
chất lành ác).
Việc điều trị tùy thuộc vào tuổi, tính chất
lành hay ác tính của khối u và giai đoạn tiến triển bệnh; sẽ kết hợp
nhiều mô thức: mổ, hóa trị và xạ trị. Trước tiên, bệnh nhân được mổ
cắt bỏ u hoặc buồng trứng có u và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Nếu
lành tính thì sẽ theo dõi tiếp, nếu là ác tính thì phải hóa trị bổ
túc. Các nghiên cứu cho thấy, việc kết hợp 3 thuốc đặc trị
Bleomycin, Etoposid, Cisplatin có hiệu quả cao trong điều trị ung
thư buồng trứng do tế bào mầm, giúp kéo dài thời gian sống thêm của
trẻ. Nếu ung thư đang ở giai đoạn khu trú, 90% bệnh nhân sống thêm
lâu dài nếu được điều trị tốt. Nếu bệnh đã ở giai đoạn lan tràn, 40%
bệnh nhân sống thêm được 5 năm sau mổ.
(Theo Sức Khoẻ & Đời Sống)