Trẻ bị bạch hầu dễ tử vong 

Cần tiêm vacxin phòng bạch hầu khi trẻ 2 tháng tuổi.

Bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn - nhiễm độc cấp tính, gây dịch. Bệnh có tiên lượng nặng, tỷ lệ biến chứng và tử vong rất cao nên điều quan trọng nhất để giảm tác hại của nó là phát hiện, xử trí sớm.

Tác nhân gây bệnh là trực khuẩn Corynebacterium diphteriae. Chúng có sức sống tương đối cao và có khả năng sinh ngoại độc tố. Trong đờm, nước bọt, nước mũi, màng giả đã khô hoặc dính vào quần áo, vi khuẩn có thể sống được 5-10 ngày; dưới ánh nắng mặt trời chúng sống được 2 giờ; ở nhiệt độ thường là 5 tháng. Với sức nóng 58 độ C, vi khuẩn bị chết sau 5 phút, ở 60 độ C sau 3 phút. Với các chất sát khuẩn thông thường, vi khuẩn bị diệt nhanh.

Tổn thương đầu tiên xuất hiện ở hầu họng, thanh quản, mũi là màng giả; cũng có thể thấy màng giả ở mắt, da, bộ phận sinh dục. Nguồn lây chủ yếu là người ốm và người lành mang khuẩn. Người ốm làm lây bệnh mạnh nhất trong thời kỳ đầu và có thể mang khuẩn từ vài tháng đến vài năm. Bệnh lan truyền chủ yếu qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt nhỏ li ti từ trẻ ốm khi chúng khóc, ho, hắt hơi hoặc do dùng chung khăn mặt, quần áo, sách vở, đồ chơi, thức ăn; cũng có thể do hít phải những hạt bụi có chứa vi khuẩn bạch hầu lơ lửng trong không khí.

Bệnh xảy ra quanh năm, có thể gây ra những vụ dịch nhỏ về mùa rét. Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh bạch hầu nếu chưa được tiêm phòng, nhưng đa số là trẻ dưới 15 tuổi, nhất là trẻ 1-9 tuổi. Bệnh cảnh lâm sàng thường gặp là bạch hầu thể thường, bạch hầu thanh quản và bạch hầu ác tính. Chính độc tố bạch hầu là thủ phạm gây nhiễm độc.

Với bạch hầu thể thường (hay thể họng - amiđan), ban đầu trẻ chỉ sốt nhẹ, biếng ăn, quấy khóc, không chịu chơi. Có thể trẻ có một vài biểu hiện làm ta nghĩ đến bệnh như: mệt mỏi, da xanh nhẹ, sổ mũi nước trong ở một bên, họng hơi đỏ, amiđan sưng, cực trên của amiđan có thể đã có màng trắng mờ hoặc những chấm trắng rất nhỏ, nổi hạch dưới hàm.

Nếu được phát hiện và điều trị ngay, bệnh sẽ khỏi nhanh và không có biến chứng. Nếu không, chỉ 2-3 ngày sau, màng giả đã xuất hiện ở trên mặt amiđan rồi lan rất nhanh sang amiđan bên kia. Chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày, khắp họng đã bị phủ một màng trắng ngà hoặc trắng xám, dính chặt vào lớp niêm mạc bên dưới và có xu hướng lan rộng rất nhanh; nếu bóc dễ gây chảy máu. Tình trạng toàn thân mỗi lúc một nặng. Trẻ mệt mỏi, chỉ muốn nằm, da xanh tái, nuốt đau, sổ mũi nhiều, nước mũi có lẫn mủ, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp hạ. Nếu VA cũng sưng, trẻ sẽ bị tắc mũi, khó thở.

Việc điều trị lúc này có nhiều khó khăn. Tuy vậy, nếu được điều trị tốt, màng giả sẽ rụng hết sau 24-48 giờ; các triệu chứng khác giảm dần rồi hết. Trẻ lại sức dần. Những trường hợp nặng màng giả bong chậm, có khi sau 5 ngày màng giả vẫn còn, tình trạng nhiễm độc nặng hơn, đến ngày thứ 10-15, trẻ có thể bị liệt hoặc chuyển thành bạch hầu thanh quản hoặc bạch hầu ác tính. Trẻ có thể bị chết bất chợt vì suy tim hoặc ngạt thở và nhiễm độc toàn thân nặng. Một số trường hợp bị liệt màn hầu, liệt chân, liệt một số dây thần kinh sọ não, viễn thị. Nếu liệt màn hầu, trẻ sẽ bị sặc, nói khẽ và nói giọng mũi; không làm được động tác thổi lửa hay huýt sáo; nghe hơi kém, ngủ ngáy vì lưỡi gà thõng xuống.

Bạch hầu thanh quản thường tiếp theo sau bạch hầu thể thường do bệnh được phát hiện và điều trị không kịp thời. Bệnh diễn biến qua ba giai đoạn: khàn tiếng, khó thở và ngạt thở. Ban đầu trẻ chỉ sốt nhẹ, hơi khàn tiếng, húng hắng ho nhưng sau đó biến chuyển rất nhanh. Trẻ bị khàn giọng, mất tiếng, tiếng ho nghe ông ổng. Một vài ngày sau sẽ xuất hiện khó thở. Ban đầu trẻ khó thở về tối và đêm, sau tăng dần, khó thở từng cơn khi bị kích thích, thỉnh thoảng lại thở rít lên và co rút. Từ khó thở vào, khó thở chậm, có tiếng rít, lõm trên xương ức, dần dần trẻ khó thở cả hai thì, hít vào nặng nhọc và thở ra khó khăn. Cứ như thế, rồi trẻ xỉu dần đi, nằm yên không vật vã tưởng chừng bệnh đỡ. Nếu không mở khí quản kịp thời, trẻ sẽ tử vong vì ngạt thở.

Bạch hầu ác tính thường tiếp sau bạch hầu thể thường vài ngày do bệnh không được điều trị kịp thời. Nếu tiên phát, bệnh thường nặng hơn. Triệu chứng nổi bật của thể này vẫn là màng giả và tình trạng nhiễm độc toàn thân. Màng giả lan khắp họng, dày, sần sùi, màu vàng đen hoặc có máu. Miệng hôi, nói giọng mũi. Trẻ bị chảy mũi, nước mũi có mủ loãng lẫn máu. Lỗ mũi bị loét và có thể có màng giả. Hạch dưới hàm sưng to làm cổ bạnh ra, khó nuốt, đôi khi bị sặc. Vào ngày thứ sáu của bệnh, màn hầu thường bị liệt. Trẻ mệt lử, da xanh tái, nổi ban, đổ máu cam; có trẻ bị nôn ra máu, chảy máu dưới da, mạch nhanh, không đều, huyết áp hạ, gan to; môi và đầu ngón chân, tay tím. Thường trẻ tử vong sau 24-36 giờ hoặc 1 tuần vì suy tim và suy thận. Một số trường hợp kéo dài được tới 30-50 ngày nhưng trẻ vẫn có nguy cơ chết bất chợt.

Trẻ bị bạch hầu là phải được theo dõi, chăm sóc và điều trị tại bệnh viện truyền nhiễm hoặc khoa truyền nhiễm để có điều kiện cách ly và hồi sức cấp cứu. Bệnh có thuốc kháng sinh đặc trị (penicillin và huyết thanh kháng độc tố bạch hầu). Nếu được phát hiện trước 48 giờ và chưa có biến chứng, được điều trị và chăm sóc tốt, trẻ sẽ khỏi. Nên điều trị ngay khi có màng giả chứ không chờ kết quả xét nghiệm. Ở gia đình, các vườn trẻ, lớp mẫu giáo, khi thấy trẻ có hiện tượng viêm mũi, viêm họng, da hơi xanh, vẻ mệt mỏi, cần cho khám bệnh ngay.

Trẻ bị bệnh phải được nghỉ ngơi tuyệt đối, theo dõi trong 55 ngày. Nếu cho ra viện sớm trước ngày thứ 30, cần dặn bệnh nhân hạn chế vận động, đi lại, tránh thay đổi tư thế đột ngột để phòng trụy tim mạch. Buồng dành cho người bệnh phải bảo đảm yên tĩnh, sạch sẽ, ấm và không có gió lùa. Chỉ ngừng cách ly bệnh nhân sau khi đã cấy chất ngoáy họng hai lần mà không tìm thấy vi khuẩn gây bệnh; và chỉ cho ra viện khi đã sạch vi khuẩn.

Cho trẻ ăn nhẹ, dễ tiêu, có đủ chất, đủ năng lượng; tránh để sặc. Ở giai đoạn bệnh toàn phát, cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhẹ (sữa, cháo), ăn nhiều quả tươi. Hằng ngày nhỏ mũi thuốc sát khuẩn, cho trẻ súc miệng nước muối; chú ý vệ sinh cá nhân, súc miệng nước muối, lau sạch da dẻ, xoay trở người đề phòng loét.

Đồ chơi, đồ dùng của trẻ ốm phải được đun sôi hoặc ngâm 15 phút trong dung dịch clorua vôi 1% hay dung dịch cloramin 1%. Quần áo, khăn mặt, khăn mùi xoa... cũng phải được luộc hoặc ngâm trong dung dịch cloramin 2% hoặc 3%. Buồng bệnh phải được quét vôi lại, cọ rửa sàn nhà bằng cloramin 2% hoặc sữa vôi 20%.

Các cháu trong gia đình hoặc cùng trong một vườn trẻ, lớp học phải được cách ly và theo dõi trong 7 ngày kể từ khi đưa trẻ ốm đi bệnh viện. Sau 7 ngày, nếu trẻ vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng viêm họng mới được ngừng cách ly. Ngược lại, nếu trẻ bị viêm họng, sổ mũi cần cho đi khám bệnh ngay.

Bệnh đã có vacxin phòng ngừa hiệu quả. Các bậc cha mẹ cần quan tâm cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch: mũi 1 khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 khi 3 tháng tuổi và mũi cuối cùng sau đó 1 tháng.

BS Nguyễn Long Châu, Sức Khỏe & Đời Sống

THƯ MỤC NHI KHOA
Nhi khoa - Bệnh trẻ em
Nhi khoa - Chăm sóc trẻ em
Nhi khoa - Cấp cứu và xử trí trẻ em
Nhi khoa - Dinh dưỡng trẻ em
Nhi khoa - Sai lầm trong chăm sóc trẻ em
Nhi khoa - Sơ sinh và nhủ nhi
Nhi khoa - Sự phát triển của trẻ em

Bệnh viện Nhi Trung Ương

  • Địa chỉ: 18/879 La Thành – Đống Đa – Hà Nội
  • Điện thoại: (84-024) 6 273 8532
  • Fax: (84-024) 6 273 8573

Bệnh viện Nhi Đồng 1

Bệnh viện Nhi Đồng 2

  • www.benhviennhi.org.vn
  • Địa chỉ: 14 Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM
  • Điện thoại: (028) 38295723 - (028) 38295724.

BV Nhi Đồng Thành Phố

  • Địa chỉ: 15 Võ Trần Chí, Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM.
  • Điện thoại: (028) 2253 6688
  • Fax: (028) 2253 8899
  • Email: bv.nhidong@tphcm.gov.vn
  • Website: www.bvndtp.org.vn

BV Nhi Thái Bình

BV Nhi TP. Cần Thơ

  • Địa chỉ: Số 345 Nguyễn Văn Cừ, P. An Bình, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
  • Điện thoại: 02923748356
  • Fax: 02923831031
  • Email: bvnhidong@cantho.gov.vn

BV Nhi Đồng Nai

  • Địa chỉ: Khu phố 5, Phường Tân Hiệp, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
  • Số điện thoại: 02513.891500 - Nhánh 151

Bệnh Viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng

  • Địa chỉ: 402 Lê Văn Hiến, Quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng
  • Điện thoại: 0236.3957 777, Fax: 0236.3957 779
  • Đường dây nóng: 0962 291 818
  • Email: benhvienphusannhi@danang.gov.vn
  • Website: www.phusannhidanang.org.vn

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh

  • Địa chỉ: Đường Huyền Quang, Phường Võ Cường, Thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh.
  • Điện thoại: (02223).89.59.69
  • Email: bvsn.syt@bacninh.gov.vn

BV Sản Nhi Ninh Bình

  • ĐT: 0229.3893656 Fax: 0229.893550
  • ĐT nóng ngành: 1900.9095 ĐT nóng bệnh viện: 0229.3513388
  • Thư điện tử: bvsnnb@gmail.com
  • Đ/c: Đường Phan Chu Trinh, p.Nam Thành, tp.Ninh Bình

BV Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc

BV Sản Nhi tỉnh Bình Dương

  • 455 đường CMT8, P. Phú Cường, Tp. Thủ Dầu Một, Bình Dương
  • Điện thoại: 0274.3836.042 | Fax: (0274)3859580
  • Email: bvpsbinhduong@yahoo.com

 

Các bệnh viện chuyên khoa Nhi có nhu cầu gửi thông tin vào nơi này xin vui lòng gửi qua theo form này

Các sản phẩm y tế

Shop Bác sĩ Trung http://www.shopbstrung.com

 

THƯ MỤC Y HỌC PHỔ THÔNG
Bệnh nhi khoa
Nhi khoa - Bệnh trẻ em
Nhi khoa - Chăm sóc trẻ em
Nhi khoa - Cấp cứu và xử trí trẻ em
Nhi khoa - Dinh dưỡng trẻ em
Nhi khoa - Sai lầm trong chăm sóc trẻ em
Nhi khoa - Sơ sinh và nhủ nhi
Nhi khoa - Sự phát triển của trẻ em