Trẻ co giật do thiếu canxi
Những trẻ bị còi xương có thể xuất hiện những cơn co giật do hạ canxi máu. Bệnh chỉ gặp ở trẻ 1-6 tháng tuổi. Cách điều trị chủ yếu là uống vitamin D và xiro canxi clorua theo chỉ dẫn của thày thuốc.
Hạ canxi máu là một tình trạng tiềm ẩn. Hầu như trẻ chỉ lên cơn co
giật khi có một nhân tố khởi phát, chẳng hạn khi sốt cao hay mắc một
bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nào đó. Giai đoạn tiềm ẩn thường kéo dài
khoảng một tuần, có khi chỉ một vài ngày, hoặc hơn một tháng. Trẻ
hay quấy khóc, có khi khóc cả đêm; khóc một cách vô cớ, không phải
vì đói, khát, ướt tã hay đòi bế... Có trường hợp cho uống cả thuốc
an thần, thuốc ngủ... mà trẻ vẫn không nín. Cũng có trẻ hay giật
mình lúc đang ngủ say hoặc cả khi thức. Nếu vô ý đụng phải, trẻ sẽ
giật bắn lên, hai tay, hai chân đột nhiên co quắp. Một vài giây sau,
lại thấy trẻ bình thường. Trẻ có thể tự nhiên bỏ bú hoặc đang bú tự
nhiên ngừng bú, môi mấp máy, mắt trợn, có cháu bị tím tái nhưng chỉ
vài giây sau, trẻ lại bú như thường.
Trong cơn giật do hạ
canxi máu, trẻ co rúm người, có khi kèm theo co thắt thanh quản. Cổ
tay trẻ co cứng, gập lại; ngón tay cái bị kéo vào lòng bàn tay; bàn
chân duỗi ở tư thế vẹo bàn chân ngựa, ngón chân cái gấp lại và gót
khum xuống. Co thắt thanh quản là một triệu chứng khá phổ biến,
thường chỉ biểu hiện đơn thuần bằng tiếng the thé lúc hít vào.
Trường hợp quá nặng có thể làm trẻ ngừng thở, tím tái, có khi tử
vong sau giây lát.
Cách điều trị chứng co giật do hạ canxi máu ở trẻ còi xương chủ yếu là uống vitamin D và xiro canxi clorua.
Để chủ động phòng ngừa bệnh còi xương và chứng hạ canxi máu do còi xương, các bà mẹ có con nhỏ cần bảo đảm nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Hằng ngày, nhất là trong tiết trời đông - xuân, khi mặt trời vừa ló lên, nên bế con ra ngoài phòng, ngồi ở nơi không có gió lùa, để lộ tay chân, lưng, ngực, bụng của trẻ ra ánh nắng mặt trời chừng 10-15 phút. Cho trẻ uống vitamin D mỗi ngày 400 đơn vị, uống trong suốt năm đầu.
Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung, cần ưu tiên những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và canxi. Để hấp thụ được nhiều canxi, nhớ cho trẻ ăn thêm dầu, mỡ, uống nước quả tươi và ăn thêm quả chín. Phòng ở của trẻ cần thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng.
Bữa ăn hằng ngày của mẹ cũng cần có thêm những thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, rau muống, rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, vừng, đậu tương...
BS Nguyễn Long Châu, Sức Khỏe & Đời Sống