Dị tật không hậu môn ở trẻ
Dị tật này xảy ra ở 1/5.000 trẻ sơ sinh. Khoa học chưa xác định được nguyên nhân, chỉ biết nó liên quan đến một số yếu tố như mẹ nhiễm virus, tiếp xúc với tia phóng xạ hoặc dùng thuốc trong thời kỳ thai nghén.
Tháng 4/2004, khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM điều trị một cháu trai 13 tuổi bị dị tật không hậu môn. Trên cánh tay cháu có xăm dòng chữ “hận đời”. Theo lời kể của bệnh nhi, cháu là con út một gia đình có bốn người con. Sau khi sinh cậu bé, vì không chịu được lời dị nghị về việc sinh ra một đứa con không có hậu môn, người mẹ đã tự vẫn. Lớn lên trong sự giễu cợt của nhiều người, cháu bé quá đau buồn nên đã xăm lên tay mình dòng chữ đó. |
Dị tật không hậu môn được phân làm 2 loại cao và thấp, cách điều trị cũng khác nhau. Thể thấp gặp trong 90% trường hợp, trẻ sinh ra không hậu môn nhưng có một đường rò nhỏ xì phân ra dưới da, đổ ra bìu (trẻ trai) hoặc phía ngoài bộ phận sinh dục (trẻ gái). Trong trường hợp này, bé có thể được phẫu thuật làm ngay hậu môn thật. Chức năng hoạt động của hậu môn thường tốt, trẻ có thể tự đi cầu bình thường.
Ở thể cao, trẻ sinh ra hoàn toàn không có vết tích của hậu môn, không có đường rò phân dưới da, hoặc nếu có thì phân cũng đổ vào đường tiểu hoặc đường sinh dục ở trên cao (như âm đạo, niệu đạo hoặc cổ bàng quang). Ở một số trẻ gái, trực tràng, bộ phận sinh dục và đường tiểu cùng đổ chung vào một lỗ (chuyên môn gọi là tồn tại ổ nhớp). Trường hợp này, trẻ sơ sinh sẽ được làm hậu môn tạm và đi tiêu bằng một lỗ trên thành bụng. Sau vài tháng, bác sĩ sẽ tiến hành làm hậu môn thật phía dưới. Hậu môn này được nong dần cho đến khi đạt được kích thước bình thường. Khi ấy, trẻ sẽ được phẫu thuật đóng hậu môn tạm trên thành bụng và đi cầu bên dưới như trẻ bình thường.
Việc điều trị dị tật không hậu môn cần được tiến hành sớm để trẻ có thể đi cầu bình thường, đồng thời tránh những tổn thương tâm lý khi trẻ đã hiểu biết.
ThS Trương Quang Định, Người Lao Động