Một số bệnh lây truyền từ mẹ sang con
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có tới vài chục loại. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con ngay khi trẻ còn trong tử cung hoặc trong lúc đẻ; đôi khi sau đẻ. Dưới đây là cách phát hiện, điều trị một số bệnh hay gặp cho trẻ.Mụn rộp (herpes)
Nếu bị nhiễm virus herpes từ mẹ, trẻ chỉ có tổn thương ở một phần cơ thể nếu ở thể nhẹ nhưng sẽ có biểu hiện toàn thân nếu nhiễm ở thể nặng. Ở thể nặng, trẻ có những nốt phỏng nhỏ trên một vùng da nào đó; bệnh có thể xâm nhập cả vào bên trong cơ thể, kể cả não. khi đó trẻ có triệu chứng ngủ lơ mơ suốt ngày, thậm chí không thể đánh thức được.
Trẻ nhiễm virus herpes bú kém, hay quấy khóc, tiêu chảy, khó thở và có thể lên cơn giật. Những bộ phận khác có thể bị tổn thương là mắt, gan và lách. Những trẻ bị nhiễm virus toàn thân có thể chết hoặc tàn phế vì di chứng não và mắt. Nếu qua khỏi, bệnh vẫn có thể tái phát ở tuổi thiếu niên nhưng thường chỉ gây tổn thương khu trú và không lan rộng nếu được điều trị.
Bệnh u sùi ở cơ quan sinh dục
Vì sự lây nhiễm virus gây u sùi có thể xảy ra ngay khi trẻ còn ở trong tử cung nên dù có mổ đẻ lấy thai ra cũng khó tránh khỏi nhiễm bệnh. Nếu trẻ bị nhiễm, u sùi có thể phát triển ở thanh quản, đôi khi ở khí quản và phổi, gặp nhiều nhất ở trẻ 2-5 tuổi, ít khi gặp ở tuổi vị thành niên; nhưng nếu có thì gây khản tiếng, thay đổi âm sắc, thở rít. Đa số trường hợp các u sùi tự khỏi nhưng đôi khi cũng tái phát, cũng có khi được cắt bỏ nhưng vẫn có thể mọc lại, có thể điều trị bằng tia xạ nhưng lại có nguy cơ phát triển ung thư sau này.
U sùi ở cơ quan sinh dục cũng có thể gặp ở trẻ do lây nhiễm từ mẹ trong lúc đẻ nhưng đôi khi trẻ em lây nhiễm do bị lạm dụng tình dục. Tổn thương thường phát triển ở âm hộ, dương vật và hậu môn.
Bệnh nấm ở cơ quan sinh dục
Trẻ có thể bị nhiễm nấm từ mẹ khi đẻ. Tuy không nghiêm trọng nhưng làm cho trẻ khó chịu, quấy khóc. Nấm thường phát triển ở lưỡi và mặt trong má, thành từng đám trắng. Điều trị bằng nystatin hoặc bôi ngoài da thuốc kem chống nấm do thầy thuốc chuyên khoa da liễu chỉ định.
Bệnh do chlamydia
Sự lây nhiễm có thể gây ra viêm mắt sơ sinh, viêm phổi và viêm ống tai. Viêm mắt sơ sinh thường xảy ra khoảng 2 tuần sau đẻ. Nếu không được điều trị, bệnh có thể trở thành mạn tính, dễ tái phát và có thể để lại sẹo ở giác mạc.
Viêm phổi thường bộc lộ ở tuần lễ thứ 6 sau đẻ với các triệu chứng ho, thở gấp mặc dầu không sốt. Nếu ho nhiều có thể làm cho trẻ không bú được, không lên cân như những trẻ khác. Điều trị bằng erythromycine theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Bệnh trùng doi (trichomonas)
Trẻ cũng có xuất tiết ở âm đạo hoặc ngứa ở âm hộ và cần được điều trị bằng metronidazole theo chỉ định của thầy thuốc.
Viêm gan B
Viêm gan B có thể lây nhiễm từ mẹ sang con khi mang thai, khi đẻ hoặc trong giai đoạn cho con bú. Trẻ nhỏ có xu hướng dễ nhiễm virus gây viêm gan B vì hệ thống miễn dịch của trẻ chưa tự sản xuất ra kháng thể. 85-90% trẻ nhỏ bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sẽ trở thành người mang virus mạn tính, trừ khi được tiêm chủng phòng bệnh ngay sau khi đẻ. Hơn 25% trẻ nhỏ mang virus mạn tính sẽ chết vì xơ gan hoặc ung thư gan sau này; nguy cơ này càng lớn hơn nếu là con trai.
Viêm gan B ở trẻ nhỏ thường không có triệu chứng gì, nghĩa là nhẹ hoặc không nhận biết được. Ðôi khi trẻ khó ở, nôn hoặc không lên cân đều đặn như những trẻ bình thường khác, có thể vàng mắt và nước tiểu sẫm màu. Gan lách có thể to ra, có tổn thương và dễ chảy máu. Trường hợp viêm gan nặng có thể gây tử vong.
Có thể phòng ngừa viêm gan B cho trẻ bằng tiêm globulin miễn dịch và vaccine phòng bệnh. Việc tiêm phòng bệnh cần tiến hành ngay sau đẻ hoặc sớm sau đẻ để thuốc có thể có tác dụng và loại trừ sự lây nhiễm. Muốn có hiệu quả phòng bệnh thì cần tiêm globulin miễn dịch trong phạm vi 2 ngày sau đẻ.
Sử dụng cả 2 liệu pháp trên thì có thể giảm bớt được số trẻ bị mang virus mạn tính 85-95% trẻ, nếu chỉ dùng một trong 2 biện pháp nói trên thì chỉ giảm được khoảng 75%. Tiêm chủng phòng bệnh viêm gan B cho trẻ cần tiến hành ở tháng thứ 1, thứ 6 và tới tháng thứ 9 cần thử xem đã có miễn dịch chưa.
HIV
Nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong giai đoạn mang thai, khi đẻ hoặc trong thời gian cho con bú. Trẻ có thể bị nhiễm HIV qua sữa của người mẹ có HIV dương tính và trẻ đã bị nhiễm HIV cũng có thể lây nhiễm sang người phụ nữ bình thường khi bú sữa của người phụ nữ này.
Trẻ bị nhiễm HIV có thể biểu hiện bằng 2 thể như sau:
-
Thể nặng: Ngay sau đẻ đã có biểu hiện tổn thương ở não (do virus xâm nhập não). Hệ thống miễn dịch của trẻ bị ảnh hưởng nặng, không chống đỡ được với các nhiễm khuẩn dẫn đến tình trạng tưa lưỡi (nấm phát triển ở miệng), không tăng cân, hay bị đau họng hoặc viêm phổi, sưng hạch, gan to, tiêu chảy... Chỉ 1/3 số trẻ này sống sót được tới 3 tuổi.
-
Thể nhẹ: Là thể thường gặp hơn, trẻ lớn hơn mới phát bệnh, hệ thống miễn dịch không bị ảnh hưởng nhiều nhưng có thể có tổn thương ở não và cũng có những biểu hiện như thể nặng, đặc biệt là viêm phổi và những tổn thương cho tim và thận. Phần lớn những trẻ này có thể sống được tới 3 tuổi.
Muốn chẩn đoán trẻsơ sinh có bị nhiễm HIV không. bác sĩ thường cho xét nghiệm máu nhưng đôi khi cũng khó xác định, có khi phải chờ đến 18 tháng mới biết chắc trẻ có bị nhiễm HIV hay không. Nếu người mẹ bị nhiễm HIV thì trẻ phải được theo dõi bằng xét nghiệm trong nhiều năm.
Lậu
Bệnh lậu ở người mẹ nếu không được điều trị thì có thể lây cho trẻ khi đẻ, chủ yếu ảnh hưởng đến mắt của trẻ nhưng cũng có thể ở nhiều bộ phận khác như họng. Thường xảy ra ngay tháng đầu tiên và nhất là tuần đầu tiên sau đẻ. Hai mắt trẻ dính không mở được vì nhử dính chặt, mắt sưng húp, nếu không được điều trị có thể dẫn đến mù lòa vì loét và sẹo giác mạc. Ðôi khi trẻ bị lây nhiễm cả lậu và chlamydia, thường từ chất tiết của cổ tử cung.
Ðiều trị bằng kháng sinh và rửa mắt cho trẻ sơ sinh ngay sau đẻ, cần nhỏ mắt bằng dung dịch nitrat bạc để đề phòng nhiễm lậu cầu khuẩn.
Trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, trẻ có thể bị viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm rộp da hoặc viêm xương khớp. Nếu được điều trị 50% trẻ bị nhiễm khuẩn có thể khỏi.
Vì vậy để tránh lây nhiễm cho con, khi có thai và khi đẻ người mẹ cần được cán bộ y tế thăm khám, quản lý thai và chăm sóc theo dõi sơ sinh tốt.
Theo Sức khỏe & Đời sống