TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY - THỰC QUẢN Ở TRẺ EM
BS NGUYỄN VĂN BÀNG
Viện bảo vệ sức khỏe trẻ em, Hà Nội
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là một trong những chứng bệnh phổ biến
nhất ở trẻ em, nhưng cũng là một trong những bệnh ít được biết đến trong
nước ta. Có 2 loại trào ngược dạ dày - thực quản: trào ngược sinh lý (hay
nôn trớ) và trào ngược bệnh lý là loại cần được chẩn đoán và điều trị.
Trào ngược dạ dày - thực quản sinh lý là hiện
tượng rất hay gặp ở trẻ em. Thường thầy thuốc đứng trước một bệnh nhân có
tình trạng sức khỏe và thể lực bình thường, ăn ngủ tốt, vẻ mặt tươi tỉnh và
hay bắt chuyện. Không thấy có dấu hiệu chảy máu dù là kín đáo tại đường tiêu
hóa như nôn ra thức ăn lẫn tia máu, lẫn máu hay tiêu ra phân đen. Cũng không
có những biểu hiện quấy khóc do đau vùng xương ức, khi chất trào ngược nhiều
axit từ dạ dày lên gây nên. Trào ngược sinh lý có thể kéo dài đến 15 tháng
tuổi và làm cha mẹ rất lo lắng. Nhưng đối với những trường hợp này chỉ cần
giải thích cho các bậc cha mẹ và hướng dẫn họ cho trẻ ăn thức ăn đặc hơn,
bằng cách tăng lượng tinh bột trong chế độ ăn là đủ. Nếu nôn trớ kéo dài quá
15 tháng thường ý và trẻ cần được các thầy thuốc nhi khoa khám, x nghiệm kỹ
càng để tìm nguyên nhân.
Trào ngược dạ dày - thực quản bệnh lý là tình
trạng nôn trớ kéo dài quá 15 tháng hoặc nôn trớ ở trẻ nhỏ,nhưng kèm theo một
hay nhiều biểu hiện bệnh lý khác như: chậm lớn, kích thích quấy khóc sau bữa
ăn hay về đêm, có các biểu hiện xuất huyết tiêu hóa kín đáo (xét nghiệm tìm
hồng cầu trong chất nôn hay trong phân dương tính) hay rõ rệt (nôn máu hoặc
tiêu ra phân đen) kèm theo thiếu máu, có các biểu hiện bệnh lý hô hấp như
các cơn ngừng thở hay khó thở kiểu co thắt kèm theo tiếng cò cử tái phát
hoặc viêm phổi nhiều lần. Cũng cần biết rằng một số bệnh nhân bị bệnh này có
thể có những triệu chứng kể trên mà không có nôn trớ, nên khó phát hiện. Vì
vậy cần nghĩ đến để loại trừ hoặc khẳng định bệnh này nếu trẻ có những biểu
hiện kể trên.
Trên trẻ lớn, bệnh cảnh thường giống như ở người lớn tức là cảm giác đau
rát sau xương ức mỗi lần ợ chua. Nhưng thông thường thì trẻ hay kêu đau bụng
hơn là kêu đau rát xương ức, kèm theo nôn hoặc ợ nhiều lần, đau ngực, cơn
hen hay viêm phổi tái phát, biểu hiện xuất huyết tiêu hóa kín đáo hay rõ
rệt, chậm lớn, chán ăn, khó tiêu, hơi thở hôi, nhiều răng sâu.
Nguyên nhân của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
chưa được hiểu biết nhiều. Nhưng những rối loạn về độ toan và độ vận động
của thực quản dạ dày-tá tràng thường đóng vai trò khởi động. Còn giãn kín
đáo và thoáng qua của cơn thắt tâm vị kết hợp với sự chậm lưu chuyển thức ăn
khỏi dạ dày có lẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ chế gây bệnh. Ngoài
ra, các bất thường về giải phẫu như thoát vị hoành qua lỗ thực quản cũng có
thể là nguyên nhân của bệnh.
Đứng trước bệnh cảnh trào ngược dạ dày-thực quản bệnh lý, ngoài thăm khám
lâm sàng kỹ lưỡng trên cơ sở hỏi bệnh tỉ mỉ, cần tiến hành một số xét nghiệm
để khẳng định bệnh trước khi điều trị, trong đó 4 xét nghiệm sau có giá trị
nhất:
1. Chụp thực quản có thuốc cản quang.
2. Đo độ toan thực quản và dạ dày.
3. Nội soi thực quản và dạ dày.
4. Đo độ vận động của thực quản và vùng hang vị - tá tràng.
Về mặt điều trị, cần kết hợp giữa điều chỉnh chế độ
ăn và dùng thuốc, trong đó điều chỉnh chế độ ăn là biện pháp cần thiết tiến
hành trước và kiên trì. Nếu là trào ngược sinh lý, cần làm đặc thức ăn phối
hợp với một số chất kháng toan dạng dung dịch như Phosphalugel, Maalox,
Mylanta hay Amphojel nếu trẻ có triệu chứng kích thích. Trên trẻ lớn, cần
khuyên trẻ tránh dùng các thức uống có độ toan cao như nước cam, nước chanh,
và tránh ăn nhiều thức ăn nhiều mỡ vì mỡ làm chậm lưu chuyển thức ăn khỏi dạ
dày. Chocolat là chất làm giảm trương lực co thắt tâm vị nên cũng cần tránh.
Đối với trẻ dưới 6 tháng, bế vác lên vai sau khi trẻ ăn hoặc bú và cho trẻ
nằm cao đầu khi ngủ cũng có tác dụng.
Các thuốc điều trị trào ngược gồm 2 nhóm
chính: các thuốc chống toan và các thuốc tăng cường vận động cơ hệ tiêu hóa.
Có thể dùng một trong những thuốc chống toan sau:
1. Các dung dịch kháng toan như Maalox, Amphojel hay Phosphalugel, 1-2
thìa canh, ngày 3-4 lần.
2. Các thuốc ức chế cảm thụ quan H2 như Cimetidine (Tagamet 10 mg/kg mỗi
liều, 4 liều mỗi ngày) hay ranitidine (Zantac 2-4 mg/kg/ngày chia làm 3 lần)
hoặc famotidine (Pepcid 0,6-0,8mg/kg/ngày chia làm 2 lần).
3. Các thuốc ức chế bơm proton như Omeprazole liều từ 5 đến 20 mg mỗi
ngày tùy theo tuổi, chia 2 lần.
Trong thực tế, các thuốc tăng cường vận động đường
tiêu hóa hay được dùng hơn và tác dụng rõ rệt hơn. Các thuốc đó gồm:
1. Cisapride (Propulsid 0,3 mg/kg mỗi lần, ngày 3-4 lần vào khoảng 30
phút trước bữa ăn).
2. Metoclopramide (Primperan 0,1 mg/kgmỗi lần, ngày 3-4 lần).
3. Bethanecol 0,01 mg/kg mỗi lần, 4 lần trong ngày.
Nếu sau nhiều tháng điều trị nội khoa bằng các thuốc nêu trên không có
kết quả mới đặt vấn đề điều trị ngoại khoa, chủ yếu theo
phương pháp Nissen (tạo nếp gấp niêm mạc tâm vị, trong những trường hợp trào
ngược dai dẳng không đáp ứng với các biện pháp nội khoa).
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chứng trào ngược dạ
dày-thực quản sẽ gây nên nhiều biến chứng như: viêm thực quản mạn tính,
thiếu máu, thiếu sắt, chít hẹp dị dạng thực quản, thậm chí có thể gây tử
vong do viêm phổi vì hít phải chất trào ngược từ dạ dày lên. Nhiều người còn
cho rằng trào ngược dạ dày-thực quản là một trong những nguyên nhân chính
của hội chứng chết đột ngột ở trẻ, lứa tuổi bú mẹ. Các bậc cha mẹ hãy cảnh
giác với chứng bệnh này và hãy mang con đến gặp các thầy thuốc nhi khoa
trước khi quá muộn.