BỆNH DO "BA MẸ" GÂY RA
BS. ĐỖ HỒNG NGỌC
Trong mùa nắng nóng,
nhiều bà mẹ bế con đến khám bệnh khai là con đi tiểu hoài chữa không hết! Đã
khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, hết Labo này đến Labo khác. Xét
nghiệm nước tiểu đều bình thường. Trong những trường hợp như vậy, kinh
nghiệm của tôi là hỏi bà mẹ có cho con uống "nước mát" không? Đa số trường
hợp là có. Có khi không phải chính bà mẹ cho uống mà do người giúp việc hoặc
bà nội, bà ngoại, bà hàng xóm tốt bụng cho bé uống. "Nước mát" là nước được
nấu với các loại thuốc Nam "giải nhiệt" như rễ tranh, râu bắp, mía lau, mã
đề... Các loại này được bán rất nhiều ở chợ, và trong mùa nắng nóng, nhà nhà
thường mua về nấu uống cho mát! Rễ tranh, râu bắp, mía lau, mã đề... là
những chất lợi tiểu (Diuretics), uống vào sẽ buộc thận làm việc mạnh hơn,
tiểu nhiều hơn. Theo quan niệm của nhiều người thì đi tiểu được nhiều là
mát! Thực ra, mát đâu không thấy, thấy khô nước, muốn uống nước (vì mất
nước) và càng uống nước mát càng nóng thêm. Nhiều trẻ bị sụt cân, nhiều bà
mẹ mất ngủ, khô họng, mất sữa. Người nhà càng thấy các triệu chứng đó, càng
nghĩ là bị "nhiệt" và càng uống nước "giải nhiệt".
Tìm được nguyên nhân rồi,
chữa không khó. Chỉ cần bảo ngưng ngay nước mát và chỉ cho uống nước thường,
nước đun sôi để nguội vài ba hôm sẽ khỏi. Gặp những trường hợp như vậy, tôi
thường nói với bà mẹ "Ngưng cho trẻ uống, trái lại, bà mẹ nên uống thường
xuyên nước mát", "Chi vậy bác sĩ?" bà mẹ ngạc nhiên. "Để đi tiểu suốt ngày
cho biết!" Tôi cười đáp.
Trường hợp trẻ bón cũng
vậy. Nhiều trẻ bú mẹ, do sữa mẹ tốt, được hấp thu trọn vẹn nên không còn bã,
phải 5 - 7 ngày mới đi tiêu được một lần, nhưng trẻ vẫn khỏe, vẫn lên cân
đều đều. Bà mẹ "suy bụng ta ra bụng... trẻ", buộc trẻ mỗi ngày phải đi tiêu
một lần, nếu không được vậy là bón. Thế rồi đi bác sĩ hoặc đến nhà thuốc mua
thuốc bơm đít. Tội nghiệp đứa nhỏ! Bơm thuốc vào đít nóng rát, đau bụng dữ
dội mà không biết "ăn nói" làm sao, mẹ cứ bơm, thấy con đi tiêu được là
mừng! Lâu ngày, bé mất phản xạ đi tiêu, đợi bơm đít mới đi, không thì thôi!
Vậy là bón thiệt, mà là do bà mẹ gây ra! Thường sau khi giải thích kỹ cho bà
mẹ, hướng dẫn cách ăn dặm để có đủ chất xơ, tôi khuyên bà mẹ "Ngưng bơm đít
trẻ mà hãy tự bơm cho mình một ống", "Chi vậy bác sĩ?" bà mẹ ngạc nhiên. "Để
nóng rát và đau bụng một lần cho biết!" Tôi cười đáp.
Còn những trường hợp
bé... vàng da! Cả nhà lo bị viêm gan, đi làm xét nghiệm đủ thứ! Trong trường
hợp thấy bé vàng da, vàng nhiều nhất ở gan bàn tay, bàn chân, mà mắt không
vàng, nước tiểu không vàng, bé vẫn vui vẻ, ăn chơi... thì phải nghĩ ngay đến
vàng da do thừa carotène, do ăn quá nhiều cà rốt, bí đỏ, rau dền...
Chỉ có một cách chữa duy nhất là ngưng các món này chừng 2 tuần lễ, bệnh tự
nhiên khỏi, không cần phải uống cả đống thuốc đau gan.
Riêng bệnh do người cha
gây ra cho trẻ thường là... ho. Trẻ ho hoài, khò khè nữa, đi đủ nơi, trị đủ
thuốc không khỏi. Cần coi lại người cha có hút thuốc không. "Cha hút con
ho" là chuyện dĩ nhiên, như cha ăn mặn con khát nước vậy! Ngày nay,
người ta biết tác hại của việc hút thuốc lá thụ động, nghĩa là chỉ ngửi khói
cũng bệnh không kém hút chủ động. Chỉ có một cách chữa: Cha thôi hút, hoặc
hút ở ngoài sân. Những người cha thương con thường tự động ngưng hoặc giảm
hút. Bệnh thứ hai là do máy lạnh. Ngày càng nhiều người dùng máy lạnh. Ngày
càng nhiều người dùng máy lạnh. Để cho cha mẹ dễ chịu thì bé đã bị lạnh!
Lạnh làm trẻ phải huy động năng lượng chống lạnh, phải nghẹt mũi, chảy mũi,
ách xì, phải run và vì trẻ chưa nạp nhiều năng lượng như người lớn nên
thường viêm cuống phổi, viêm phổi! Chữa hoài không khỏi phải nghĩ đến "máy
lạnh". Cũng có khi cha mẹ sợ con lạnh, lại ủ nhiều lớp quá làm trẻ bị bít
hơi, toát mồ hôi, bứt rứt, cẳn nhẳn, mất ngủ, quấy khóc... Cứ thế thành cái
vòng lẩn quẩn!
Tóm lại, nhiều chuyện
không thấy sách giáo khoa y học nào nói tới nhưng cuốn sách giáo khoa lớn
nhất là cuộc sống vô cùng phong phú quanh ta...