Đau đầu ở trẻ em
Khám kỹ để phát hiện nguyên nhân đau đầu. |
Đau đầu là chứng bệnh phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi. Riêng ở trẻ em, khoảng 10-15% số trường hợp đến các phòng khám thần kinh, tâm thần, nhi khoa có dấu hiệu này.
Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu:
- Sốt, các bệnh viêm dây thần kinh (dây 5), viêm màng não, viêm não, viêm xoang, viêm ở mắt, răng.
- Có vấn đề mạch máu (đau nửa đầu), cao huyết áp, dị dạng động tĩnh mạch.
- Có khối choán chỗ nội sọ, u não, chảy máu nội sọ, não úng thủy, tăng áp lực sọ não lành tính.
- Yếu tố tinh thần: lo âu, stress, học quá sức, căng thẳng thần kinh kéo dài.
Có loại đau đầu khỏi ngay sau vài phút; trẻ đau như giả vờ, kêu đau nhưng vẫn chơi đùa và lại khỏi ngay. Có loại đau âm ỉ cả ngày lẫn đêm hoặc đau thành từng cơn, tăng lên vào nửa đêm và gần về sáng. Nếu đau 1 lần mỗi tháng được gọi là đau thỉnh thoảng, 1 lần mỗi tuần gọi là đau thường xuyên.
Khi trẻ kêu đau đầu, bố mẹ cần chú ý xem đau ở vùng nào trên đầu, đau khi nào, có liên quan đến sự kiện gì không, đau kéo dài bao nhiêu lâu, có kèm theo hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì không; trẻ có bị mờ mắt không, tay, chân có yếu bên nào, dáng đi có vững không, có thấy gì khác thường ở mặt, ở mắt không? Cần đặc biệt chú ý dạng đau đầu có kèm theo nôn, mờ mắt, run tay, đi loạng choạng hoặc yếu nửa người. Hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh nếu có một trong những dấu hiệu bất thường như đã nêu trên.
Khi trẻ bị đau đầu, có thể cho uống các thuốc giảm đau thông thường, tạm thời như paracetamol liều 10 mg/kg và đưa đi khám bệnh. Tại phòng khám thần kinh, trẻ sẽ được khám kỹ về lâm sàng, đo huyết áp, soi đáy mắt và làm một số xét nghiệm chuyên sâu, đo điện não đồ, chụp sọ não, chụp cắt lớp điện toán hoặc cộng hưởng từ nếu bác sĩ thấy cần thiết.
Có nhiều trẻ đau đầu do căn nguyên tâm lý, do học hành quá căng thẳng. Đối với nhóm trẻ này, phương pháp điều trị là tham vấn riêng với bố mẹ để tìm giải pháp hỗ trợ thích hợp; tham vấn riêng với trẻ để khẳng định là trẻ không có bệnh, tạo sự tự tin để vượt qua thời điểm khủng hoảng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)