PHÒNG TRÁNH TAI NẠN CHO TRẺ EM Ở ĐỒNG THÁP
Tác giả : NGUYỄN THANH HUẾ
Là tỉnh vùng trũng ở Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông rạch chằng chịt, ao hồ nhiều, vườn tạp lắm và trình độ dân trí thấp, Đồng Tháp có khá nhiều nguy cơ rình rập gây tai nạn thương tích cho trẻ em.
Những nguy cơ
Nguy cơ lớn nhất và số trẻ chết cũng nhiều nhất là chết đuối. Nằm ở đầu nguồn, nơi sông Mê Kông chảy vào Việt Nam, Đồng Tháp là tỉnh thuộc vùng trũng của ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên thường ngập lụt mỗi mùa nước về. Hai mùa lũ lớn năm 2000 và 2001, nước lên tận cả sân vườn, quốc lộ; Nhiều trạm y tế của tỉnh còn bị ngập sâu trong nước tới gần nửa mét. Tình trạng trẻ ngủ mê rơi xuống nước, rơi từ sàn nhà xuống nước, đi chơi té xuống ao, rạch, kinh, ruộng, xuống sông,... xảy ra không ít, ở khắp nơi. Người trông coi chỉ lơ là trong ít phút là đã nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Trước tình hình ấy, địa phương đã có sáng kiến tổ chức những điểm giữ trẻ mùa lũ ở vùng sâu, cho học sinh nghỉ khi nước lớn,... Rồi tập quán cất nhà ở ven lộ khiến không ít cháu bị xe đụng khi chạy chơi quanh nhà; Tình hình trẻ nông thôn đi học bằng xe đạp ngày càng nhiều cũng rất nguy hiểm trước sự gia tăng nhanh các loại xe gắn máy; Ngoài ra, các nguy cơ ngộ độc thuốc trừ sâu, bỏng, điện giật, ong đốt, rắn cắn, chó cắn, mèo cào,... mỗi năm cũng gây ra không ít tai nạn gây thương tích trẻ em.
Và những tai nạn...
Báo Đồng Tháp ngày 9/4/2004 đưa tin ở xã Tân Hộ, huyện Tân Hồng, 5 đứa trẻ sẩy chân té xuống hầm nước sâu khi rửa rau muống vừa hái từ ngoài đồng mang về. Ba cháu Tôn Thị Mỹ sinh năm 1995, Nguyễn Thị Kiều My sinh năm 1992 và Nguyễn Duy Phương sinh năm 1994 bị chết đuối. Hai cháu còn lại may mắn được kịp thời cứu sống. Bi thương hơn, ở huyện Tháp Mười có người mẹ bơi xuồng chở 2 con nhỏ, một đứa rớt xuống nước, người mẹ nhảy xuống cứu thì đứa ở trên xuồng rớt theo. Nước lớn, dòng chảy mạnh cuốn cả 3 mẹ con đi để lại người chồng cùng dòng họ tiếc thương trong ân hận. Trước đó, ở phường 1, thị xã Cao Lãnh, một cháu bé bị chết cháy do cha mẹ bất cẩn để quạt trong mùng cho con ngủ rồi bỏ đi làm việc ở xa. Quạt đổ chập mạch điện phát lửa cháy cả nhà, cháu bé mới 5 tuổi làm sao thoát nổi!...
Năm 2003, Đồng Tháp có gần 2.000 trẻ dưới 14 tuổi bị tai nạn gây thương tích. Trong đó, 36 trẻ bị rơi xuống nước, 12 cháu không cứu được; 660 trẻ bị tai nạn giao thông, 1 cháu chết; 266 trẻ bị té ngã và tai nạn lao động gây thương tích; 133 trẻ bị bỏng; 88 cháu bị ngộ độc;...
Dự án phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em Đồng Tháp
Trước tình hình trẻ em bị tai nạn thương tích nhiều, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng như Y tế, Giáo dục, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên,... tập trung phòng tránh cho các em. Những điểm giữ trẻ trong mùa lũ ra đời gom các cháu lại trông coi giảm đáng kể số trẻ chết đuối. Những cụm dân cư mùa nước nổi được thành lập. Đặc biệt, năm 2003, UNICEF đã tài trợ cho Đồng Tháp cùng 5 tỉnh khác là Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Cần Thơ triển khai thực hiện Dự án phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Ở Đồng Tháp, dự án được triển khai tại 4 xã Hòa Long và Long Hậu của huyện Lai Vung; Mỹ Hòa và Trường Xuân của Tháp Mười. Các thành viên thực hiện dự án gồm Y tế, Giáo dục, UB BVBMTE và Đoàn Thanh niên,... có nhiệm vụ trực tiếp điều phối các hoạt động tại địa phương. Sau bước khảo sát, phân tích nguyên nhân gây tại nạn cho trẻ em tại địa phương, BQL Dự án đã tổ chức 6 lớp tập huấn và hỗ trợ phương tiện để các cán bộ quản lý, giáo viên các trường, các cộng tác viên triển khai hướng dẫn xây dựng các mô hình: Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn; Tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng cho các bậc cha mẹ, thầy cô giáo..., cách đề phòng tai nạn cho trẻ như làm rào ngăn không cho trẻ chạy ra đường; Nâng cao khỏi tầm tay với con trẻ các loại ổ cắm điện, cất giữ cẩn thận với các loại thuốc bảo vệ thực vật,...
Kết quả, so với năm 2002, khi chưa triển khai Dự án, số trẻ em bị tai nạn giảm rõ rệt, khoảng trên 50%. Dự kiến, năm 2004, Dự án sẽ mở rộng thêm 4 xã nữa trên địa bàn 2 huyện cũ và 4 xã ở huyện mới Tam Nông.
Những kiến nghị
“Phần lớn các tai nạn gây thương tích cho trẻ đều có nguyên nhân do bất cẩn”. Một cán bộ Dự án phòng chống tai nạn thương tích trẻ em cho biết: “Để phòng tránh tai nạn cho trẻ, biện pháp tốt nhất là tuyên truyền sâu rộng, đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, Đồng Tháp Mười,... để mọi người hiểu, biết và luôn cảnh giác với những tai nạn đang rình rập các em. Vì thế, cần một chương trình mang tầm quốc gia”. Xin kết lại bài viết bằng ý kiến này.