Xử trí khi trẻ sặc bột
Sặc bột là một hiện tượng rất thường gặp ở trẻ và có thể đe dọa tính mạng. Khi tai nạn xảy ra, người trông trẻ phải biết xử trí ngay và đúng cách; nếu không, bệnh nhi có thể tử vong trong 5-10 phút.
Đường ăn và đường thở ở vùng cổ nằm song song với nhau và gần như tiếp giáp ở vùng miệng họng. Giữa chúng có một nắp đậy gọi là nắp thanh thiệt, nó đậy lại khi thức ăn được đưa xuống thực quản để chúng không lạc sang đường thở. Ở trẻ nhỏ và người già, hệ thần kinh chưa hoàn thiện hoặc bị suy nhược, khiến phản xạ đóng nắp thanh thiệt không được tốt, dẫn đến dễ bị sặc thức ăn. Thói quen vừa ăn vừa cười đùa, ăn vội vàng hay việc cha mẹ bóp mũi con ép phải há miệng bón thức ăn... rất dễ gây sặc.
Bột hoặc cháo xay nhuyễn có độ quánh rất cao, nút lấy toàn bộ đường thở, có thể làm trẻ khó thở, tím tái rồi tử vong. Biểu hiện tức thời xuất hiện sau khi đút bột vào miệng trẻ: trẻ đột nhiên ho sặc sụa, tím tái rồi có cơn ngừng thở, có thể tử vong ngay sau 5-10 phút. Dấu hiệu này được gọi là hội chứng xâm nhập - phản xạ bảo vệ của cơ thể để tống dị vật đường thở ra ngoài.
Trẻ phải được đưa đến chuyên khoa tai mũi họng kịp thời, đặt ống nội khí quản (một loại ống đưa vào đường thở để hỗ trợ hô hấp), thậm chí mở khí quản; hút bột ra khỏi đường thở. Sau đó, phải kết hợp dùng kháng sinh toàn thân để tránh biến chứng viêm phổi.
Trường hợp lượng bột ít, sau khi có hội chứng xâm nhập, trẻ có thể trở lại hoàn toàn bình thường nhưng sau đó rất dễ bị viêm phế quản kéo dài, tái phát nhiều lần, đôi khi phải soi khí phế quản vài lần để hút mủ và bột còn sót lại.
Để phòng tránh hiện tượng trên, cần dạy cho trẻ thói quen giữ trật tự khi ăn uống, ăn chậm, nhai kỹ. Tuyệt đối không được ép trẻ ăn bằng những biện pháp thô bạo.
GS. Phạm Khánh Hòa, Sức Khỏe & Đời Sống