Ứng phó kịp thời khi trẻ bị bệnh cấp
Bé khỏe lên nhờ được hạ sốt. |
Khi trẻ sốt cao kèm co giật, một biểu hiện của nhiễm khuẩn hô hấp cấp, cha mẹ nên đặt con nằm chỗ thoáng, cởi bớt quần áo, lau mát bằng nước ấm cho đến khi nhiệt độ chỉ còn 38 độ C. Nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Đây là những chỉ dẫn của bác sĩ Lê Thị Nga, Trung tâm dinh dưỡng TP HCM, trong chương trình hoạt động dinh dưỡng và sức khỏe chiều 22/9. Theo đó, phụ huynh cần chú ý đặt đầu trẻ hơi ngửa ra sau và nghiêng sang một bên, đờm nhớt sẽ dễ chảy ra ngoài, thông đường thở cho trẻ. Để giảm nhiệt độ, bố mẹ nên nhét hậu môn thuốc Paracetamol, dùng thìa có quấn gạc đặt giữa hàm răng tránh cho con mình cắn vào lưỡi.
Còn với trẻ bị tiêu chảy, đi phân lỏng trên 3 lần/ngày, người nhà nên cho uống dung dịch Oresol, viên nước biển khô hoặc dung dịch muối đường. Nuôi trẻ bằng thức ăn mềm, dễ tiêu, chia nhiều bữa trong ngày, tránh không cho trẻ uống nước. Phụ huynh cũng nên kiêng khem không cho trẻ ăn những chất giàu dinh dưỡng.
Cũng theo bác sĩ Nga, trong các trường hợp sau, cha mẹ không nên chăm sóc con tại nhà mà đưa ngay đến cơ sở y tế: sốt kèm co giật, đau bụng, đau khớp, kèm phát ban, xuất huyết, sốt có thêm nôn mửa và thóp phồng với trẻ dưới 1,5 tuổi. Nếu trẻ sốt có dấu hiệu thở nhanh, co rút lồng ngực (trẻ hít vào, phần cuối xương ức hoặc phía dưới sườn bị lõm), thở khó hoặc tím tái quanh môi cũng cần bác sĩ can thiệp. Với trẻ tiêu chảy nhiều lần trong 6 giờ, nôn, khát nước, không tiểu, khóc không có nước mắt hoặc phân có máu, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến trạm y tế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp là hai bệnh gây tử vong nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi.
Lê Nhàn