Trẻ đau bụng do bị... stress
TT - Mới đây Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 và Đại học Y dược TP.HCM qua một công trình nghiên cứu đã phát hiện nhiều trẻ đau bụng là do... bị stress!
Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của bác sĩ (BS) Phạm Thị Ngọc Tuyết - trưởng khoa tiêu hóa của BV, người trực tiếp nghiên cứu vấn đề này.
- Từ thực tế khám bệnh tại BV, chúng tôi thấy có nhiều trẻ bị đau bụng tái diễn (ĐBTD - có ít nhất ba cơn đau bụng trong khoảng thời gian ít nhất ba tháng) không rõ nguyên nhân nên đã tiến hành nghiên cứu trên 1.026 học sinh được chọn từ chín trường THCS của Q.1. Nghiên cứu này nhằm xác định mối liên quan giữa ĐBTD với các sang chấn tâm lý (stress) trong học tập, gia đình và sức khỏe của các em.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy tỉ lệ trẻ mắc ĐBTD là 4,2%, nữ nhiều hơn nam (nữ dễ nhạy cảm với các sang chấn tâm lý), độ tuổi 11 mắc nhiều nhất và trẻ học trường chuyên bị ĐBTD nhiều hơn trường bình thường. Trong đó, tỉ lệ trẻ phải nghỉ học vì đau bụng là 19%. Cơn đau thường xuất hiện vào các khoảng thời gian cao điểm học tập: tháng 9-10 là tháng nhập học với tỉ lệ 43,4%, tháng 1-2 là thời điểm thi học kỳ I: 15,6% và tháng 4-5: thời điểm thi học kỳ II là 16,1%. Ở những trẻ được đưa đi khám bệnh, tỉ lệ đau bụng do nguyên nhân thực thể (viêm, nhiễm trùng đường tiêu hóa...) chỉ có 3,9% - dù đã được BS chỉ định hoặc cha mẹ yêu cầu cho thử máu, phân, siêu âm, X-quang, thậm chí cả xét nghiệm xâm lấn như nội soi.
Được sống trong sự yêu thương, chăm sóc của gia đình, hài hòa trong học tập, vui chơi sẽ giúp các em tránh được ĐBTD do stress |
Đa số trẻ bị ĐBTD có liên quan tới các sang chấn tâm lý trong gia đình, học đường. Qua nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận được hai yếu tố: sang chấn tâm lý thuộc gia đình thường gặp là trẻ bị cha mẹ rầy la (49,9%), cãi nhau với anh chị em (29,6%); yếu tố sang chấn tâm lý ở học đường là bị thầy cô rầy la (31,3%), đổi trường học (29,5%) và học quá nhiều (27,5%). Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như cha hoặc mẹ bị mất việc làm, không sống chung với cha hoặc mẹ hoặc cả hai, có người thân qua đời, mẹ sinh em bé, thường bị cha mẹ bỏ bê...
Khi bị ĐBTD, trước mắt sẽ ảnh hưởng về tâm lý, ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Về lâu dài, khi lớn lên các em này dễ bị những bệnh tiêu hóa do yếu tố tâm lý thần kinh gây ra như viêm đại tràng co thắt (tiêu chảy tái phát, luôn có cảm giác đau bụng, đầy hơi...). Chưa kể dù không có bệnh thực thể nhưng BS vẫn phải cho dùng thuốc hoặc làm xét nghiệm xác định nên gia đình và các em luôn lo lắng và cứ nghĩ mình có bệnh thật.
Để giúp các em, trước tiên phải trò chuyện, trấn an trẻ, giải tỏa những vấn đề tâm lý cho trẻ trong chuyện học, chuyện gia đình, bạn bè... Gia đình phải biết rằng ĐBTD không phải là bệnh lý trầm trọng, mà do trẻ đang gặp những vấn đề khó khăn về tâm lý như thiếu thốn tình cảm gia đình, có vấn đề với thầy cô giáo, bị bạn bắt nạt trong lớp học, bài vở quá nhiều, học không theo kịp bạn bè...
Khi xác định trẻ bị ĐBTD do yếu tố tâm lý nào thì cả thầy thuốc, gia đình và nhà trường phải phối hợp để tháo gỡ cho các em. Nếu nguyên nhân từ nhà trường, thầy cô, bạn bè thì cha mẹ hoặc thầy thuốc có thể gặp gỡ trao đổi lại nhà trường và thầy cô để giúp trẻ giải tỏa tâm lý; nếu nguyên nhân từ gia đình thì các bậc cha mẹ phải điều chỉnh: quan tâm, chăm sóc trẻ nhiều hơn, không nên la rầy trẻ quá mức.
Chúng tôi muốn lưu ý thêm, tuổi 11 đến 15 là tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý. Gia đình và học đường là môi trường mà các em sinh hoạt và lệ thuộc nhiều nhất. Đặc biệt không khí gia đình gần gũi, thương yêu là môi trường tốt cho trẻ. Ngược lại cha mẹ ly dị, không sống chung với trẻ... cũng dễ gây sang chấn tâm lý cho trẻ và là yếu tố thuận lợi cho ĐBTD xuất hiện.
L.T.HÀ ghi