Trẻ bị bỏng tăng trong mùa hè
Theo số liệu của Viện Bỏng quốc gia, số trẻ 5-15 tuổi bị bỏng thường tăng cao vào mỗi dịp hè. Trong tháng 6 này, Viện đã tiếp nhận 150 trẻ nhập viện do bỏng; trong đó có 32 ca bỏng điện.
Giáo sư Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này là trẻ được nghỉ hè. Thiếu sự quản lý của nhà trường, gia đình lại quản không xuể nên các em thường dễ tự gây bỏng cho mình khi trèo lên cột điện cao thế bắt chim, gỡ diều. Trẻ ở nhà nhiều cũng dễ bỏng nước sôi, bỏng cháo, bỏng canh (do mùa hè thường nấu canh nhiều hơn những mùa khác). Ở nông thôn, đường dây điện thường chạy trần trong nhà và phần lớn không đạt tiêu chuẩn về an toàn nên trẻ cũng rất dễ bị giật.
Hai cháu Hoàng và Tùng đang điều trị tại viện Bỏng. |
Các tai nạn về bỏng chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi 5-15 vì ở tầm tuổi này, các cháu đã "thừa đủ hiếu động nhưng lại thiếu hiểu biết để có thể tự bảo vệ bản thân". Ba trường hợp bỏng điện cao thế đang điều trị tại viện đều 14 tuổi. Em Nguyễn Hữu Hoàng (Tân Kỳ, Nghệ An), thấy tổ chim nên leo lên cột điện để bắt. Thấy em bị điện giật, anh họ là Nguyễn Thanh Tùng leo lên cứu cũng bị giật. Cả hau đều bị bỏng khá sâu, chấn thương đầu, điều trị cực kỳ tốn kém và mất thời gian. Giáo sư Năm cho biết, bỏng điện cao thế gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, nạn nhân chết tức thì hoặc có di chứng lâu dài như mù mắt, hoặc phải cắt cụt chân tay vì bỏng sâu.
Các ca bỏng trẻ em trong mùa hè chủ yếu tập trung ở nông thôn, nơi điều kiện kinh tế, an toàn còn thiếu thốn, người dân lại không ý thức được về những mối nguy tiềm ẩn đối với con em mình. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp tự làm nặng thêm vết thương của trẻ do sơ cứu theo kinh nghiệm truyền miệng (đổ giấm, nước mắm, thậm chí xát vôi vào vết bỏng). Nếu biết cách sơ cứu đúng, người lớn sẽ giúp các em giảm nhẹ được cấp độ bỏng cũng như di chứng do bỏng.
(Theo Lao Động)