SỐT Ở TRẺ NHỎ
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI
Sốt là phản ứng của cơ thể, gây rối loạn chức năng của trung tâm điều hòa
thân nhiệt ở hành não, làm thay đổi mối tương quan giữa sản nhiệt và thải
nhiệt nên cơ thể có nhiệt độ trên mức hằng định.
Sốt không phải là bệnh. Đây là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau.
Thông thường trong các bệnh nhiễm khuẩn và virus đều biểu hiện nhiệt độ tăng
cao hơn mức bình thường như các bệnh viêm họng, viêm phế quản, viêm màng
não, cúm, sởi, viêm ruột thừa cấp v.v... Tuy vậy, có những bệnh không bị
nhiễm khuẩn và virus cũng gây sốt như nắng, nóng... đã làm rối loạn trung
khu điều nhiệt. Bởi vậy không phải trường hợp sốt nào cũng phải dùng kháng
sinh.
Bệnh cảnh của sốt cũng biểu hiện nhiều hình thái khác nhau, khá phức tạp,
chẳng hạn có những bệnh lại sốt về chiều, sốt về đêm, có bệnh sốt từng cơn
hoặc sốt ly bì, sốt cách nhiệt, sốt cao, sốt vừa hoặc sốt nhẹ v.v...
Tùy vào lứa tuổi của trẻ, mùa nóng hay lạnh, cơ địa, địa dư, hoàn cảnh
sống v.v... mà ở trẻ sẽ phát sinh những nhóm bệnh khác nhau. Nếu khi trẻ chỉ
bị sốt nhẹ, đầu ấm, biếng ăn... lại đang thời kỳ mọc răng thì rất có thể do
mọc răng hay viêm mũi, họng nhẹ. Có khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể
của trẻ chưa kịp thích ứng cũng làm trẻ sốt... Tất cả các trường hợp này
thường khỏi sau vài ngày mà không cần dùng thuốc.
Khi gặp trẻ sốt cao, tuy chưa rõ bệnh gì, nhưng điều đầu tiên cần để trẻ
thoáng mát, chỉ dùng chăn mỏng đắp ngang rốn. Tuyệt đối không ủ ấm, đắp
chăn, mặc nhiều áo quần... bởi vì vô tình đã làm cơ thể trẻ không thoát được
nhiệt ra ngoài, làm thân nhiệt đã tăng cao lại càng tăng hơn. Thần kinh trẻ
lại chưa ổn định nên rất dễ co giật. Các trường hợp này cần hạ nhiệt bằng
chườm lạnh. Lấy khăn hoặc vải sạch thấm ướt bằng nước lạnh rồi vắt kiệt và
phủ lên trán trẻ hoặc đặt vào hai bên hố bẹn - có thể chườm cả hai bên hố
nách, nhưng vị trí này cần thận trọng không sẽ làm lạnh ngực gây viêm phổi.
Có điều kiện dùng nước đá để chườm nhưng cho vào túi nylon (polyethylène)
được dán kín tránh nước chảy ra - chườm từ từ đừng làm lạnh đột ngột - muốn
vậy cần lót các lớp vải, sau giảm dần.
Trẻ sốt thường khát nước, có thể cho uống oresol (nhớ cho uống từ từ từng
hớp nhỏ để tránh gánh tim đột ngột). Nếu không có oresol thì uống nước gạo
rang pha đường (tốt nhất là đường glucoza) pha thêm chút muối ăn hoặc cho
uống nước cam, chanh...
Theo dõi nhiệt độ cứ 3 tiếng một lần, không thuyên giảm hoặc giảm ít có
thể dùng một trong các loại thuốc hạ nhiệt sau: Babymol, Paracetamol hoặc
Tabagin (Đức), Panadol (Mỹ)... liều lượng đã hướng dẫn trên bao bì theo từng
lứa tuổi. Nhớ uống đúng, đủ liều quy định. Tuyệt đối không lạm dụng sẽ gây
nguy hại.
Để vừa hạ nhiệt và phòng co giật do sốt cao, có thể cho uống một trong
các loại hạ nhiệt trên phối hợp với xi rô phénergan - cũng uống theo liều
ghi trên nhãn của chai lọ - không dùng quá liều chỉ định.
Làm như vậy, sau vài ngày nếu trẻ không hết sốt, lại xuất hiện các triệu
chứng như khó thở, cánh mũi phập phồng, co kéo xương ức, co giật v.v... thì
phải đưa đi bệnh viện ngay (kể cả ngày đầu mới sốt mà có các triệu chứng vừa
nêu trên) để sớm được cứu chữa. Vì rất có thể trẻ đã mắc bệnh viêm V-A hay
viêm amiđan cấp, hoặc viêm phế quản thể hen, viêm phế quản phổi v.v... Các
trường hợp này cần dùng đến kháng sinh và điều trị toàn diện, cần có sự theo
dõi chặt chẽ của thầy thuốc, để tránh những nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.