LẠI NÓI VỀ TIÊU CHẢY
TRẺ EM
BS. BÙI XUÂN VĨNH
Bệnh tiêu chảy ở trẻ em,
đang có tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn. Vấn đề tiêu chảy đã được nói
đến trên các báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh... Thế nhưng đến nay,
qua tiếp xúc với các bà mẹ đưa trẻ đi khám bệnh, vẫn còn thấy nhiều bạn chưa
hiểu rõ về căn bệnh này, và đã xảy ra những điều đáng tiếc...
Do đó, nói thêm về bệnh
tiêu chảy, chắc rằng không thừa.
Thế nào là bệnh tiêu
chảy?
Gọi là tiêu chảy khi trẻ
đi tiêu trên 3 lần trong ngày, ra phân lỏng hoặc toàn nước. Bệnh thường xảy
ra ở trẻ em, nhưng đôi khi cũng có ở người lớn.
Tiêu chảy gồm 2 loại:
tiêu chảy cấp tính - gọi tắt là tiêu chảy cấp - xảy ra đột ngột, nhưng
chỉ kéo dài vài ngày hoặc dăm ngày, có khi tới hơn 1 tuần, nhưng không bao
giờ quá 2 tuần; tiêu chảy mạn tính, là tiêu chảy "lai rai": có ngày
tiêu chảy ít, có ngày tiêu chảy nhiều, có ngày tưởng như khỏi bệnh, nhưng
sau đó lại tái phát ngay, và cứ thế bệnh kéo dài trên 2 tuần, 1 tháng, có
khi hơn nữa. Loại tiêu chảy mạn tính ít có hơn. Còn tiêu chảy cấp thì xảy ra
luôn luôn, nhất là ở trẻ em.
Bệnh tiêu chảy có nguy
hại không?
Rất nguy hại, đặc biệt ở
trẻ em. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG), thì mỗi năm, tại
các nước đang phát triển - trong đó có nước ta - có gần 1 tỉ trẻ em bị tiêu
chảy, và số chết là gần 5 triệu. Như vậy, cứ mỗi phút qua đi, lại có 2.000
trẻ em bị tiêu chảy và 10 trẻ chết vì căn bệnh này.
Trong nước ta, bệnh tiêu
chảy, cùng với nhiễm khuẩn hô hấp là 2 căn bệnh có nhiều nhất ở trẻ em, và
cũng làm trẻ chết nhiều nhất.
Do đâu mà sinh ra tiêu
chảy?
Nguyên nhân chính là do ăn
uống thiếu vệ sinh. Trong các thức ăn dơ bẩn, ôi thiu, không được nấu chín
kỹ, hoặc đã để ruồi nhặng đậu vào, đều có những siêu vi, hoặc vi khuẩn.
Trong rau sống không được rửa sạch, có nhiều siêu vi, vi khuẩn. Trong nước
uống chưa đun chín, các nước giải khát pha chế không hợp vệ sinh, cũng có
nhiều siêu vi, vi khuẩn. Nước đá, nếu sản xuất từ một loại nước thiếu vệ
sinh, chưa được đun chín, cũng vẫn mang theo siêu vi, vi khuẩn. Trên bàn
tay, ngón tay các trẻ nhỏ khi chưa được rửa sạch, cũng luôn luôn có siêu vi,
vi khuẩn. Các siêu vi, vi khuẩn đó sẽ theo thức ăn, nước uống, tới ruột con
người. Ở đó, chúng sẽ sinh sôi nảy nở rất nhanh, và bài tiết ra các chất
độc. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng lại ngay, qua hai động tác: một là cơ thể
huy động nhiều nước vào ruột để hòa tan các siêu vi, vi khuẩn và các chất
độc do chúng sinh ra; hai là ruột co bóp mạnh để thải nước đó - mang theo
siêu vi, vi khuẩn và các chất độc ra ngoài cơ thể: điều đó sinh ra tiêu
chảy. Như vậy, tiêu chảy chính là một phản ứng của cơ thể để thải các siêu
vi, vi khuẩn, các chất độc của chúng ra ngoài.
Tuy nhiên, phản ứng đó
nhiều khi gây tai hại, đó là khi nó thải ra khỏi cơ thể quá nhiều nước mà
không được bù vào. Khi đó, cơ thể sẽ lâm vào tình trạng gọi là "mất nước".
Tai hại nữa, là nước được cơ thể thải ra lại mang theo cả một số chất rất
cần thiết cho sự sống: các chất này được gọi là chất "điện giải". Và, khi cơ
thể đã không còn đủ nước và các chất "điện giải" để duy trì sự sống, thì cơ
thể sẽ "khô héo", sẽ suy kiệt, và có thể nhanh chóng dẫn tới chết. Các công
trình nghiên cứu về bệnh tiêu chảy đã chứng minh cứ trong 100 trẻ chết vì
tiêu chảy, thì có khoảng 70 trẻ chết do "mất nước" (và chất "điện giải"). Số
ít còn lại chết do các nguyên nhân khác: như chết do nhiễm độc - từ các siêu
vi, vi khuẩn sinh ra - hoặc do một bệnh khác đi kèm theo bệnh tiêu chảy như
bệnh sưng phổi v.v... Như vậy nguy cơ lớn nhất của bệnh tiêu chảy là sự mất
nước (và chất "điện giải") của cơ thể.
Một nguy cơ nữa cũng hay
xảy ra ở các trẻ tiêu chảy là tình trạng suy dinh dưỡng. Tại sao vậy? Vì
trong khi tiêu chảy, các chất dinh dưỡng không được đưa vào cơ thể đầy đủ, 1
là do trẻ chán ăn, 2 là do gia đình thường mắc sai lầm là không cho trẻ ăn,
sợ ăn vào sẽ làm tăng tiêu chảy. Hậu quả là, khi trẻ khỏi bệnh tiêu chảy,
thì lại bị suy dinh dưỡng.
Làm thế nào để biết trẻ
bị "mất nước"?
Ở các trẻ bị tiêu chảy,
khi đã xảy ra tình trạng "mất nước", thì sẽ được chia làm 3 độ: nhẹ, vừa và
nặng.
1. Mất nước nhẹ: Chỉ có 1 triệu chứng là trẻ rất khát
nước. Ở các trẻ nhỏ, chưa nói được, bà mẹ sẽ thấy trẻ quấy khóc, chỉ khi cho
uống nước đủ thì mới nín.
2. Mất nước vừa: Ngoài khát nước, trẻ còn có một số
triệu chứng có thể nhìn thấy, sờ thấy: mắt trẻ khô lại, miệng lưỡi cũng khô
(dùng ngón tay móc vào miệng trẻ, không thấy ướt), da khô; ở các trẻ nhỏ
thóp có thể lõm xuống thấp hơn bình thường.
3. Mất nước nặng: Ngoài các triệu chứng kể trên, sẽ
thấy trẻ có các dấu hiệu đặc biệt về thần kinh: lừ đừ, có những cơn vật vã;
nặng nữa có thể thấy hôn mê, có những cơn co giật (làm kinh).
Những trẻ mất nước nhẹ có
thể điều trị tại nhà. Những trẻ mất nước vừa thì tùy theo tổng trạng chung
của trẻ, có thể được chữa tại nhà, có hướng dẫn của thầy thuốc, hoặc nhập
bệnh viện. Nhưng trẻ mất nước nặng, nhất thiết phải vào bệnh viện điều trị
nội trú.
Có thể làm gì để phòng
ngừa bệnh tiêu chảy?
Việc đó thật đơn giản. Bạn
chỉ cần giữ vệ sinh ăn uống cho thật tốt. Đừng bao giờ các thức ăn không đảm
bảo vệ sinh như thịt cá ôi thiu, hoặc chưa đun chín, rau sống chưa được rửa
sạch kỹ lưỡng. Các thức ăn đều phải đậy kỹ, không để ruồi nhặng đậu vào. Về
nước uống, chỉ nên dùng các loại nước đã được khử trùng. Trong nhà bạn, nên
luôn luôn có 1 vài chai nước đã đun chín, để khi khát, có thể dùng ngay,
tránh cho trẻ em phải dùng nước không hợp vệ sinh. Khi dùng nước giải khát,
chỉ nên cho trẻ dùng các loại nước đã được đóng kín trong lon, chai... Trước
mỗi bữa ăn, bạn nhớ rửa sạch tay và tập cho trẻ có thói quen tốt đó. Khi đặt
nước vào tủ lạnh để làm đá, bạn cũng cần đun chín nước đó đã. Không nên cho
trẻ ăn quà vặt, uống vặt dọc đường.
Cần làm gì khi trong
nhà có trẻ tiêu chảy?
Dĩ nhiên, cho trẻ đi khám
bệnh là điều tốt. Nhưng nếu trẻ vẫn ăn chơi bình thường, bạn chưa có điều
kiện cho trẻ đi khám bệnh ngay, thì bạn nên xử trí kịp thời ở nhà như sau:
Một là bạn nên tiếp nước
ngay cho trẻ, vì bạn đã biết nguy cơ lớn nhất của tiêu chảy là gây ra tình
trạng mất nước rất nguy hiểm. Tiếp nước như thế nào? Tốt nhất là bạn cho trẻ
uống Oresol. Các gói Oresol này hiện nay ở đâu cũng có: ở các cơ sở y
tế phường, xã, huyện, quận v.v... đều không thiếu. Bạn đến đó, hoặc đến hiệu
thuốc - sẽ được nhân viên hướng dẫn cách pha và cho uống Oresol. Nói vắn
tắt, mỗi gói cần được pha trong đúng 1 lít nước chín để nguội. Sau đó, cho
trẻ uống từ từ, chậm chậm từng muỗng một, uống cho tới khi hết khát mới
thôi. Nếu trong 24 giờ, trẻ không uống hết 1 lít Oresol đã pha đó, thì đổ
đi, rồi lại pha 1 lít khác, vì Oresol đã pha nếu để quá 24 giờ sẽ hỏng.
Hai là bạn cần cho trẻ
tiếp tục ăn đầy đủ, miễn là dùng thức ăn dễ tiêu: cháo thịt nạc, xúp thịt
nấu với cà rốt, khoai tây... nếu trẻ dùng sữa hộp, thì nên pha sữa đó loãng
gấp đôi mức bình thường. Còn nếu trẻ đang bú sữa mẹ thì đó là điều tốt nhất:
bạn cứ cho trẻ bú mẹ tiếp tục như thường.
Thực hiện được 2 điều
trên, bạn sẽ tránh cho trẻ được 2 nguy cơ chủ yếu của bệnh tiêu chảy là "mất
nước", và suy dinh dưỡng. Ở đây tôi xin nhấn mạnh một số sai lầm hay gặp ở
một số bà mẹ: không cho trẻ tiêu chảy uống nước, không cho trẻ tiêu chảy ăn
đầy đủ, vì sợ sẽ làm tăng tiêu chảy. Thật là sai lầm lớn! Tiêu chảy gây "mất
nước" cho trẻ, nếu không tiếp nước vào thì nguy cơ "mất nước" càng trầm
trọng, càng nguy hiểm. Tiêu chảy gây suy kiệt cho trẻ, nếu trẻ lại thiếu ăn,
thì càng dẫn tới suy dinh dưỡng. Ngày nay, các công trình nghiên cứu về tiêu
chảy chứng minh rằng trong khi trẻ tiêu chảy, cơ thể vẫn hấp thu được nước
theo đường uống, và hấp thu được tới 60% các thức ăn đưa vào theo đường tiêu
hóa.
Bạn hãy làm chu đáo 2 việc
trên, khi cơ thể đã thải ra hết các siêu vi, vi khuẩn, và các chất độc của
chúng, thì tiêu chảy sẽ hết. Một sai lầm nữa cũng cần tránh, là một số bà mẹ
tự ý cho trẻ dùng kháng sinh. Thật tai hại, vì trong bệnh tiêu chảy, nhiều
loại kháng sinh lại làm mệt cho trẻ thêm, lại làm tăng tiêu chảy thêm. Vả
chăng, 1 phần lớn nguyên nhân tiêu chảy là do siêu vi, dùng kháng sinh hoàn
toàn là vô ích!
Khi nào thì cần truyền
dịch (vô nước biển)?
Các trẻ cần truyền dịch
gồm có:
- Một số trẻ "mất nước" độ
vừa mà không uống được (thí dụ: do nôn ói nhiều).
- Các trẻ "mất nước" độ
nặng.
Do đó, bạn cần theo dõi
sát trẻ tiêu chảy. Nếu trẻ bắt đầu có triệu chứng của "mất nước" độ vừa: khô
mắt, khô miệng, khô da... thì dù khó khăn gì, cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện
ngay. Thầy thuốc sẽ khám bệnh và căn cứ vào tình trạng của trẻ, sẽ cho trẻ
được điều trị tại nhà - có theo dõi, tái khám - hoặc cho cháu nhập viện điều
trị nội trú ngay.