Một số điều nên tránh khi thay tã lót cho trẻ
Vải tã nhuộm sẫm màu có thể khiến trẻ bị dị ứng, vải quá mới có thể làm sây sát làn da non nớt của trẻ... Việc thay tã lót tưởng như đơn giản, song nếu không xử lý đúng cách thì có thể gây bệnh cho bé.
Không nên chần chừ thay tã khi trẻ đi tiểu, đi ngoài vì vi khuẩn trong phân có thể làm cho urea trong nước tiểu phân giải, sản sinh ra ammonia làm kích thích da trẻ, gây viêm. Không nên thắt thêm đai buộc ngoài tã lót vì như thế càng tạo điều kiện cho vi khuẩn tác động vào da hơn.
Không nên lau chùi da trẻ qua loa khi thay tã. Chú ý lau xung quanh bộ phận sinh dục ngoài trước, rồi lau quanh hậu môn. Đặc biệt ở bé gái, niệu đạo và âm đạo về cơ bản không có vi khuẩn, song vi khuẩn ở cửa hậu môn có thể lây sang, gây viêm nhiễm.
Không nên giặt tã lót qua loa. Sau khi giặt sạch xong, cần ngâm tã vào nước sôi để sát trùng, sau đó giũ lại nhiều để tránh các chất kiềm còn đọng lại dễ gây kích thích da. Sau khi phơi tã khô ngoài nắng phải để nguội mới dùng.
Không nên dùng vải mới và vải nhuộm màu sẫm làm tã lót. Vải thô mới dễ làm sây sát da còn vải sẫm màu dễ gây viêm da. Tốt nhất là dùng vải sợi bông cũ, màu trắng, dễ thấm nước làm tã.
Không nên đặt thêm đệm lót vải nilon trên tã lót. Không ít bà mẹ thêm đệm nilon để phòng phân và nước tiểu của bé thấm vào chăn bông, quần áo. Thực tế, việc này càng dễ sinh ammonia, gây dị ứng đỏ mông của trẻ, làm da bẹn bị ẩm ướt hơn, gây nhiễm khuẩn nấm.
(Theo Nông Nghiệp)