Thận trọng khi lắc mạnh trẻ
Âu yếm trẻ bằng cách tung lên cao có thể gây tổn thương não. |
Bố mẹ thường thể hiện tình yêu con bằng cách lắc mạnh trẻ hoặc tung lên cao rồi bắt lấy. Hành động này có thể khiến não của trẻ bị xoắn vặn trong hộp sọ, gây vỡ mạch máu não và xé mô não dẫn đến xuất huyết.
Trẻ thường bị lắc trong tình huống nào?
- Khi trẻ quấy khóc nhiều, không dỗ được khiến cha mẹ hoặc người chăm sóc tức giận đến mức mất tự chủ. Họ không đánh trẻ nhưng lại sốc trẻ lên và lắc dữ dội để thỏa cơn giận.
- Các ông bố có khuynh hướng biểu hiện sự thương yêu con, nhất là với con trai, bằng cách lắc mạnh hoặc tung lên rồi bắt lấy.
- Cho trẻ chơi trò "Nhong nhong ngựa ông đã về".
- Để trẻ ở tư thế đứng khi đi xe đường xóc, khiến các em bị gập tới gập lui.
- Bị vật nuôi trong nhà lôi đi.
Tại sao khi lắc mạnh lại gây nguy hiểm cho trẻ?
Do các cơ ở vùng cổ của trẻ còn rất yếu nên không nâng đỡ đầu nhiều. Vì thế, khi bị lắc mạnh hay tung lên cao, đầu của trẻ sẽ có khuynh hướng bị gập trước sau, hoặc xoay mạnh không kiểm soát. Hậu quả còn nặng nề hơn nếu kết thúc quá trình lắc là sự va chạm mạnh đầu trẻ vào một bề mặt nào đó như tường, sàn nhà hay giường. Do lực gia tốc đang nhanh bị dừng đột ngột bởi một va chạm thường rất mạnh, nên não trẻ sẽ bị xoắn vặn hoặc gập trước sau trong hộp sọ, dẫn đến vỡ mạch máu, phù não, tăng áp lực nội sọ.
Tình trạng trên có thể dẫn đến những di chứng như: chậm phát triển tâm thần, mất khả năng học và nói, liệt, động kinh, mù mắt, điếc và thậm chí tử vong.
Cách chẩn đoán:
- Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện khó thở hay ngừng thở, co giật, ói mửa, tri giác lừ đừ hay hôn mê. Khám thực thể có thể phát hiện có các vết bầm tím quanh đầu, cổ hay xương sườn, gãy xương sườn hay các xương khác. Trẻ bị xuất huyết võng mạc thường ở cả 2 bên. Chụp CT và MRI có thể phát hiện những tổn thương trong não như: xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới màng nhện, máu tụ, phù não và nhồi máu não.
- Trong trường hợp nhẹ, các tổn thương dễ bị bỏ qua hoặc bị nhầm với một số tình trạng khác như nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hóa... Tuy nhiên, trẻ có thể có biểu hiện quấy khóc nhiều, bỏ ăn hay bỏ bú, ói, ngủ lịm, gương mặt vô cảm, không chịu cười đùa, trương lực cơ kém. Nguy hiểm nhất là do không nhận biết đúng tình trạng của trẻ, nên bố mẹ có thể tiếp tục lắc trẻ, khiến tổn thương thêm trầm trọng.
- Có khi trẻ đến tuổi đi học rồi mới phát hiện được những hành vi không bình thường như: chậm phát triển tâm thần, học kém, nghe kém... Song những trường hợp này rất khó liên hệ với tình trạng trẻ từng bị tổn thương do lắc mạnh trước đây.
Cách đề phòng:
- Không bao giờ lắc hay tung trẻ lên vì bất cứ lý do gì.
- Cố tự chủ và không bao giờ có ý nghĩ trút cơn giận lên trẻ.
- Cần có chương trình tuyên truyền rộng rãi về tác hại của việc lắc mạnh trẻ.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)