Không nên cho trẻ tập võ quá sớm
Hệ xương khớp của trẻ chịu ảnh hưởng lớn của vận động thể dục thể thao. Vì vậy, nên cho trẻ chơi những môn có tác dụng tăng cường sự khéo tay, dai sức như chạy, bơi, xe đạp, bóng ném… hơn là các môn va chạm mạnh và đòi hỏi tập trung kỹ thuật cao như võ thuật.
Theo số liệu của Nhà Thiếu nhi TP HCM, cứ vào mùa hè, số trẻ em đến tập võ tăng 10% so với ngày bình thường. Tuy nhiên, không phải lứa tuổi nào cũng thu được kết quả tốt cả về mặt thể lực và tâm lý từ môn thể thao này.
Tập võ sau 12 tuổi là tốt nhất
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Chủ nhiệm Bộ môn Y học, Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP HCM, do đặc điểm sinh lý của trẻ chưa hoàn hảo, việc hướng dẫn các bài tập luyện cần có tính chất vui chơi thoải mái hơn là căng thẳng. Vì trẻ rất hiếu động, nên đi đôi với việc hướng dẫn các bài tập cơ bản, cần chú trọng đến việc bồi dưỡng nhân cách của trẻ. Thái độ háo thắng, hung hăng và xem tập võ là hình thức bạo lực cần được loại bỏ.
Các nhà chuyên môn y tế TDTT cho rằng 12 tuổi là thời điểm thích hợp để bắt đầu tập võ vì khi này trẻ đã có đủ nhận thức. Trong các buổi tập, phải hết sức chú ý bài khởi động. Phải thường xuyên nhắc nhở trẻ không đùa giỡn quá mức vì các trường hợp tổn thương thường xảy ra khi không có người lớn trông coi.
Các chấn thương thường gặp
Theo bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà, Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP HCM, trong luyện tập võ thuật, chi trên là vùng hay bị tổn thương nhất (gãy xương đòn, xương cánh tay). Lý do là trẻ bị ngã khi thực hiện các động tác đá, nhảy với cao, bị mất thăng bằng chân trụ. Kế đến là chấn thương vùng khuỷu, thường gặp trong các bài tập có va chạm (thi đấu đối kháng). Ở trẻ em, ít có trường hợp trật khớp mà thường là gãy đầu trên hoặc gãy tróc sụn tiếp hợp.
Đối với chi dưới, trẻ thường bị gãy nơi bám của gân cơ, do thực hiện những cú đá mạnh quá lực chịu. Ngoài ra, trẻ mới tập võ dễ bị đau khớp háng vì gân, cơ căng khi thực hiện các bài tập tạo độ dẻo.
6 lời khuyên cho trẻ tập võ:
1. Trẻ em hay bị chảy máu, lách to không nên tập những môn thể lực nặng.
2. Cần khám định kỳ sức khỏe, chú trọng đặc biệt tim mạch, cột sống, các khớp.
3. Theo dõi kỹ hằng năm sự phát triển của bộ xương, theo dõi cân nặng hai lần trong năm, nhất là xung quanh giai đoạn dậy thì.
4. Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, phổi mạn tính bắt buộc phải căn cứ vào chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
5. Chú ý giấc ngủ và vệ sinh cá nhân.
6. Lưu ý chế độ dinh dưỡng hằng ngày, luôn bù đủ nước. Không để bị khát, không nên uống các loại nước giải khát có ga.
(Theo Người Lao Động, 5/6)