Trẻ em bị ngộ độc thường do cha mẹ sơ ý
21 giờ ngày 10-6-97, khoa Cấp cứu - lưu Bệnh viện Nhi Ðồng 2 tiếp nhận bệnh nhân L.T.K.N, 17 tháng tuổi, ngụ tại xã Bình An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Cháu K.N bị hôn mê nặng, co giật toàn thân, da xanh tái, mạch đập nhanh. Chị T.N.L, mẹ cháu K.N, kể: "Nhà tôi có nhiều ruồi. Người hàng xóm chỉ tôi dùng thuốc trừ sâu Basudin loại không mùi, viên màu tím để diệt. Tôi lấy thuốc pha với nước, rồi đổ ra dĩa có thêm đường để dụ ruồi. Tôi để dĩa thuốc trên bàn, cháu K.N chập chững đi đến bên bàn, lấy dĩa thuốc rầy uống hết".
Sau khi xác định cháu K.N bị ngộ độc Basudin, các bác sĩ đã rửa dạ dày bằng nước muối, cho thở oxy và chích Atropine 1/4 mg. Cho đến hôm nay, cháu K.N đã chích hàng trăm ống Atropine mà vẫn chưa bình phục hẳn.
Bác sĩ Trần Hữu Nhơn - trưởng khoa Cấp cứu - lưu (Bệnh viện Nhi Ðồng 2) - cho biết:" Mỗi tháng khoa nhận được từ 8 đến 10 ca trẻ em bị ngộ độc các loại thuốc rầy, thuốc diệt chuột, diệt gián, nhện, thuốc muỗi... Hiện nay các loại độc dược này đều được chế biến dưới dạng hạt, đầy màu sắc, lại có mùi thơm nên cũng dễ "dụ" con nít. Ðiều đáng nói ở đây là các bậc phụ huynh hay sơ ý, để các loại chất độc này sờ sờ trước mắt các cháu nên lại càng dễ gây tai nạn".
Cháu N.T.H.S, 15 tháng tuổi, ở quận Thủ Ðức - TPHCM bò xuống gầm tủ nhặt gói thuốc trừ sâu dạng hạt màu tím để ăn. Cháu H.T.B.N, 16 tháng tuổi, ở quận Gò Vấp, TPHCM nuốt hạt cà độc dược (dùng để chữa sâu răng) do mẹ phơi dưới đất trước nhà. Cháu N.T.N, 28 tháng tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM lại uống nhầm phèn xanh (sulfat đồng) là loại nước súc miệng của bà nội để lẫn chung với các chai nước trong tủ lạnh mà không dán nhãn...
Một điều cần nói thêm là trước khi đưa đến Bệnh viện Nhi Ðồng 2, khoa cấp cứu các bệnh viện quận, huyện bỏ qua việc rửa dạ dày cho các cháu nên đã làm thuốc có thời gian thấm sâu vào cơ thể, gây nguy hiểm cho các cháu. Cũng may chưa có trường hợp nào tử vong.
Xuân Hòa