Ngộ độc khoai mì cấp ở trẻ em
Cây sắn (khoai mì). |
Em Đ.T.T., 10 tuổi ở Bình Dương, sau khi ăn khoai mì (sắn) trồng gần nhà, đã bị nôn 4-5 lần trong vòng 8 tiếng. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM trong tình trạng hôn mê, vã mồ hôi, đỏ da chi, tái môi. Sau nhập viện 30 phút em co giật toàn thân, có tình trạng rối loạn vận mạch, rối loạn nhịp tim.
Một công trình nghiên cứu của bác sĩ Bạch Văn Cam - Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM và bác sĩ Nguyễn Thi Kim Thoa cho thấy, ngộ độc khoai mì cấp là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Nó chiếm 10% trong số ngộ độc thức ăn, với tỷ lệ tử vong là 16,7%, cao nhất trong các loại hình ngộ độc thức ăn. Ngộ độc khoai mì thường gặp ở trẻ lớn 8-9 tuổi (91,7%), do các em tự ý đào củ đem nướng ăn hoặc do người lớn luộc cho, nhưng tất cả đều ăn nhiều vào lúc đói. Thời gian nhập viện trung bình sau ngộ độc là 11 giờ, sớm nhất 7 giờ và chậm nhất là 16 giờ.
Triệu chứng lâm sàng: trẻ bị nôn, tiết nước bọt, đau bụng, nôn máu, thở nhanh, rối loạn tri giác, co giật, rối loạn nhịp tim. Trong đó, triệu chứng thường gặp nhất là rối loạn tiêu hóa (100%), xuất hiện đột ngột 4-6 giờ sau ăn, nôn ra thức ăn, số lần nôn từ 4 đến 10 lần. Tiếp theo là triệu chứng thiếu oxy tế bào. Biểu hiện hô hấp gặp trong 73,8% các trường hợp. Rối loạn nhịp tim (33%) là biểu hiện muộn hơn các triệu chứng khác.
Bác sĩ Cam khẳng định, trường hợp như của em Đ.T.T. là ngộ độc thức ăn nhóm thực vật độc có thể gây tử vong. Chất gây độc trong khoai mì là Limanarin, có nhiều trong lớp vỏ lụa và hai đầu rễ củ, nhất là củ non.
Loại khoai mì độc là loại đắng (sắn dù, sắn ta, sắn lùn, sắn cao sản) cây thấp, đốt dày, ngọn non màu xanh nhạt, lá màu xanh lục nhạt, cuống lá đỏ nhạt. Củ có vỏ ngoài nâu thẫm, vỏ lụa trắng chứa nhiều nước. Loại này thường được trồng nhiều vì cho sản lượng cao. Các cách chế biến không an toàn như không ngâm nước, không cắt bỏ hai đầu, luộc với ít nước và không mở nắp nồi khi sôi làm tăng khả năng gây ngộ độc.
Thiên Phúc