Dị ứng sữa ở trẻ em
Trẻ em thường dị ứng sữa do hệ miễn dịch phản ứng quyết liệt với những thành phần protein trong sữa. Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được xác định, song người ta cho rằng có thể do các yếu tố di truyền kết hợp với việc cho trẻ bú sữa bò hay sữa đậu nành quá sớm.
Triệu chứng của dị ứng sữa bò nói chung thường xuất hiện trong vòng 6 tháng tuổi và thuộc 1 trong 2 kiểu phản ứng: nhanh hoặc chậm.
- Kiểu phản ứng dị ứng nhanh thường xảy ra đột ngột với các biểu hiện như ói mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù. Nặng hơn là phản ứng phản vệ toàn thân.
- Biểu hiện của phản ứng dị ứng chậm thường nhẹ hơn hoặc không rõ ràng như trẻ bứt rứt khó chịu, quấy khóc thường xuyên, ói mửa, đau bụng, đi cầu phân lỏng (có thể dính ít máu), chậm tăng cân và tăng trưởng không đạt mức bình thường. Những triệu chứng này thường khó chẩn đoán vì rất giống với biểu hiện của nhiều bệnh lý khác. Hầu hết trẻ ở thể này sẽ qua tình trạng bất dung nạp sữa lúc 2 tuổi.
Cần phân biệt triệu chứng dị ứng sữa bò với sự bất dung nạp Lactose, trong đó trẻ thường bị chướng bụng, đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy do không tiêu hóa được đường Lactose trong sữa.
Để chẩn đoán bệnh chính xác cần:
- Xét nghiệm phân. Phân của trẻ bị dị ứng sữa bò thường có lẫn máu, trong khi phân của trẻ bị bất dung nạp Lactose lại có tính axit và chứa thành phần đường không tiêu hóa được.
- Xét nghiệm thử phản ứng dị ứng trên da. Nếu thấy nổi một đốm đỏ và cứng ở chỗ tiêm thì có phản ứng. Tuy nhiên, test này chưa phải là đặc hiệu vì nhiều trẻ nhỏ bị dị ứng với sữa bò vẫn cho kết quả âm tính, trong khi nhiều em lớn hơn không bị dị ứng lại cho kết quả dương tính.
Nguyên tắc điều trị dị ứng sữa bò chủ yếu là:
1. Tránh tác nhân gây dị ứng và thay đổi lối sống: Nếu trẻ bị dị ứng thuộc kiểu phản ứng nhanh, cần chuyển sang dùng sữa đậu nành. Nếu không có hiệu quả thì tiếp tục chuyển sang những loại thực phẩm có thành phần protein ít gây phản ứng dị ứng như sữa gạo, sữa hạnh nhân và những sản phẩm ghi nhãn là Non-dairy hay Pareve. Thời gian sử dụng các sản phẩm thay thế kéo dài từ 2 đến 12 tháng, sau đó cho trẻ dùng lại sữa bò để kiểm tra sự dung nạp. Nếu vẫn còn dị ứng thì tiếp tục dùng lại sản phẩm thay thế và cứ 3-6 tháng lại kiểm tra một lần.
Ngoài ra, có thể chuyển sang bú mẹ nếu trẻ còn nhỏ và mẹ còn sữa, tuy nhiên chế độ ăn của mẹ cần loại bỏ những thực phẩm chứa sữa, do các protein trong sữa bò có thể đi qua sữa mẹ.
2. Dùng các thuốc như Cromolyn, Antihistamin, Ketotifen, Corticosteroid và các thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc Epinephrine được sử dụng trong trường hợp bị phản ứng phản vệ cấp tính.
Cách phòng ngừa:
- Luôn kiểm tra thành phần ghi trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng. Ngay cả những sản phẩm dùng quen vẫn phải đọc lại vì nhà sản xuất có thể thay đổi thành phần.
- Cần báo cho người chăm sóc trẻ như người trông trẻ, cô giáo, ông bà... về tình trạng dị ứng của trẻ.
- Phải ghi rõ tiền sử dị ứng của trẻ trong hồ sơ liên quan.
- Chuẩn bị sẵn một số thuốc chống dị ứng tại nhà để dùng khi cần thiết.
- Nếu trẻ bị phản ứng phản vệ cấp, cần nhanh chóng đưa đi bệnh viện ngay.
Bác sĩ Hà Khôi, Sức Khỏe & Đời Sống