Trẻ có thể tử vong do suy hô hấp sau sinh mổ
Đứa bé vẫn phải thở máy và điều trị bằng kháng sinh. |
Sáng nay, sau 11 ngày nằm viện và thở máy, con của bà N., ở quận 7, TP HCM, vẫn chưa qua cơn nguy kịch. Nguyên nhân chỉ vì tin lời thầy bói chọn ngày tốt nên bà N., đã yêu cầu bác sĩ mổ lấy con mặc dù thai chỉ mới 36 tuần tuổi.
9/11, ngày thầy bói “phán” là tốt, bà N đến một bệnh viện tư đề nghị sinh mổ. Các bác sĩ ở đây đồng ý ngay. Đứa bé vừa chào đời đã có biểu hiện suy hô hấp nguy kịch, tím tái, thở oxy qua ống xông mũi vẫn không cải thiện được. Bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 được mời qua hội chẩn, ngay lập tức cháu được đặt nội khí quản và chuyển về khoa Hồi sức sơ sinh của Bệnh viện.
Bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, cho biết, đứa bé mắc bệnh suy hô hấp sau ca sinh mổ chủ động. Cứ 1.000 ca tương tự sẽ có 11 trẻ mắc bệnh này. Riêng tại khoa của bà, mỗi tháng phải tiếp nhận một ca suy hô hấp nặng do sinh mổ. Tần suất bệnh không cao nhưng đây là bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong cho trẻ.
Theo bác sĩ Phượng, nếu sinh thường, ngực trẻ sẽ được âm đạo ép giúp giảm ứ dịch màng phổi. Hơn nữa khi bà mẹ bắt đầu đau bụng chuyển dạ cơ thể tiết ra nhiều nội tiết thuộc nhóm corticoid, andrenergic, prostaglandin, NO… Những chất này giúp cho phổi trẻ có đầy đủ chất surfactant và phổi sẽ nở ra được, nếu không đủ surfactant phổi trẻ bị xẹp. Các biến chứng đứa trẻ gặp phải là suy hô hấp, tràn khí màng phổi, cao áp phổi. Khi lớn lên, khả năng đáp ứng với stress ở những trẻ này thấp hơn người bình thường.
Việc ngạt thở kéo dài cũng gây thiếu oxy, làm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như phù não, thiếu máu cơ tim, sưng ruột, viêm ruột hoại tử…
Bác sĩ Phượng khuyên nếu không cần thiết nhất định không nên sinh mổ. Nếu cần mổ nên tiến hành vào lúc chuyển dạ hoặc cố kéo dài cho đến lúc thai được 39 tuần. Việc mổ lấy con phải được tiến hành ở những đơn vị y tế có khả năng thực hiện hồi sức ngay sau sinh vì nhiều trẻ có thể bị suy hô hấp lúc vừa chào đời.
Thiên Phúc