Xuất huyết giảm tiểu cầu nhũ nhi thường xảy ra ở tháng 1-2
Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh lý thường gặp ở trẻ. Nó chiếm tỷ lệ từ 33% đến 39% các bệnh huyết học điều trị nội trú mỗi năm tại hai bệnh viện nhi ở TP HCM. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng ở trẻ nhũ nhi thường gặp nhiều hơn vào thời điểm giao mùa giữa mưa và khô và ở tháng 1-2.
Theo báo cáo của nhóm bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 trong hội nghị khoa học diễn ra sáng nay tại TP HCM, tình trạng này có thể do thay đổi thời tiết nên trẻ dễ bị nhiễm trùng hô hấp hơn các tháng còn lại.
Cũng theo nghiên cứu, bệnh đa số xảy ra ở trẻ từ 2 đến 10 tuổi. Gần đây, thực tế lâm sàng cho thấy xuất huyết giảm tiểu cầu (tiểu cầu là yếu tố quan trọng có vai trò làm đông máu) ở trẻ dưới một tuổi có chiều hướng gia tăng, với mức độ xuất huyết thường nặng, khởi phát cấp tính rầm rộ.
Bệnh có liên quan đến vấn đề nhiễm trùng, chủng ngừa hoặc bệnh lý bào thai. Trên 81% trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu sau chích ngừa hay nhiễm siêu vi. Loại chủng ngừa ghi nhận nhiều nhất là viêm gan siêu vi B, kế đến là bại liệt, bạch hầu… Thời gian từ lúc chủng ngừa đến khi phát bệnh khoảng 19 ngày.
Gần một nửa số trẻ nhũ nhi xuất huyết giảm tiểu cầu khởi phát sau khi nhiễm siêu vi khoảng 6 ngày. Chiếm tỷ lệ cao trong nhóm này là do viêm hô hấp trên.
T. Phúc